Bệnh Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis gây ra. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 - 85% trong tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Đây là bệnh lý nguy hiểm, dễ lây lan và khả năng biến chứng rất cao, bệnh không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng khác của hệ thần kinh trung ương, hệ bạch huyết và hệ thống tuần hoàn…
Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới có 1/3 dân số thế giới đã nhiễm lao, Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 quốc gia có tỷ lệ lao cao trên Thế giới. Tháng 8/2013, Khoa Truyền Nhiễm - Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí triển khai 1 đơn nguyên điều trị lao dưới sự giám sát của bệnh viện Lao – Phổi Quảng Ninh. Sau hơn 5 năm triển khai, khoa đã khám, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao giai đoạn tấn công cho trên 600 trường hợp người bệnh. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Khoa Truyền nhiễm bệnh viện đã khám, phát hiện và điều trị cho 144 người bệnh ( trong đó có tới trên 80% là lao phổi).

Bác sĩ kiểm tra sức khoẻ cho người bệnh
Theo Bs.CKI Nguyễn Thị Hoàn – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện cho biết các trường hợp người bệnh mắc bệnh lao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ có những biểu hiện nặng nề như ho ra máu số lượng nhiều, ho máu sét đánh, suy hô hấp và có thể dẫn tới tử vong. Phát hiện và điều trị sớm bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Người nghi ngờ mắc bệnh lao khi có các biểu hiện :
- Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu).
- Gầy sút cân, kém ăn, người mệt mỏi.
- Có sốt nhẹ về chiều.
- Ra mồ hôi trộm vào ban đêm.
- Đau ngực đôi khi khó thở.
Khi người bệnh có các biểu hiện trên cần tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để làm các xét nghiệm cần thiết (xét nghiệm đờm, chụp Xquang phổi) để phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Đối với các trường hợp người bệnh đã mắc bệnh lao và đang điều trị bệnh lao cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Khi tiếp xúc với những người xung quanh cần đeo khẩu trang, khi khạc nhổ đờm vào giấy hoặc cốc giấy để đốt đi, thường xuyên rửa tay bằng xà, giữ cho môi trường xung quanh thoáng mát.
Vì một Việt Nam không còn bệnh lao vào năm 2030, các cấp, các ngành, mọi nhà, mọi người hãy tích cực thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh lao.
Phòng Công tác xã hội