Phẫu thuật thành công bệnh Phình đại tràng bẩm sinh qua đường hậu môn tại bệnh viện Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí - Bs.Vũ Đức Thụ.
Họ tên: Bùi Văn T
Tuổi: 18 tháng tuổi
Số bệnh án: 13619846
Địa chỉ: Tiền An-Quảng Yên-Quảng Ninh.
Ngày vào viện: 27/05/2013
Ngày ra viện: 19/06/2013
Lý do vào viện: táo bón kéo dài.
Bệnh sử: Không ỉa 5 ngày, mệt mỏi, chướng bụng.
Tiền sử: Táo bón kinh niên, thường xuyên phải thụt tháo phân từ lúc sinh ra.
Khám bệnh: trẻ mệt mỏi, gầy yếu, xanh sao, chậm lớn cân nặng chỉ 8kg/18 tháng tuổi, bụng chướng nắn có cục phân lớn rắn ở hạ vị.
Xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu ở giới hạn bình thường.
Hình ảnh X-quang đại trực tràng có thụt baryte thấy rõ đoạn vô hạch, đoạn chuyển tiếp và đoạn phình ở trực tràng và đại tràng sigma.
Săn sóc trước mổ: bệnh nhi được thụt tháo phân hàng ngày, bù đủ nước và điện giải và máu.
Trẻ được mổ phiên ngày 12/06/2013.
Trình tư phẫu thuật: bệnh nhi nằm tư thế sản khoa, gây mê nội khí quản. Ống hậu môn được bộc lộ bằng 6 mũi chỉ. Phẫu tích một ống niêm mạc dài 5 cm bắt đầu từ trên đường lược 1 cm lên trên, sau đó phẫu tích ra ngoài để kéo hết các lớp của trực tràng và đại tràng sigma ra ngoài giới hạn trên là trên chỗ đoạn ruột phình. Chiều dài đoạn ruột cắt bỏ dài 20 cm. Bước tiếp theo, nối mỏm đại tràng còn lại vào ống hậu môn. Cuộc mổ kéo dài 180 phút, lượng máu mất 100 ml.
Diễn tiến sau mổ: trẻ tỉnh nhanh, không sốt, sau 8 tiếng đã trung tiện, đại tiện sau 12 tiếng. Những ngày tiếp theo trẻ chơi ngoan, bú, ăn tốt, đi ỉa ngày từ 8-15 lần, ra viện vào ngày thứ 8 sau mổ. Tổng chi phí cho toàn bộ quá trình chăm sóc là 7 triệu đồng. Sau khi ra viện, trẻ ăn uống tốt, số lần trẻ đi ỉa giảm dần. Thời điểm 2 tuần, số lần trẻ đi ỉa là 6-8 lần/ ngày và không có hiện tượng són phân.
Kết quả mô bệnh học: không có tế bào hạch thần kinh trong đám rối Auerbach ở đoạn ruột thu nhỏ của đoạn ruột được cắt bỏ.
Hình ảnh phẫu thuật và niềm vui trước khi xuất viện:
Tên bệnh: Phình đại tràng tiên thiên, Megacolon, Hirschsprung
Tỷ lệ mắc: 1/5000 trẻ sơ sinh.
Harald Hirschsprung là người đầu tiên mô tả bệnh này từ năm 1887.
Chẩn đoán dựa vào: lâm sàng, đo áp lực trực tràng, chụp xquang đại-trực tràng có baryte và sinh thiết mô bệnh học. Thực tế nước ta: lâm sàng điển hình + Xquang điển hình là đủ điều kiện chẩn đoán. Tuy nhiên cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác.
Đến nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị cho bệnh này. Các phương pháp phẫu thuật cổ điển: Swenson, Soave, Duhamel và Rebien. Các phương pháp này thường được tiến hành từ 2-3 thì và tốn nhiều thời gian chờ đợi, và có nhiều di chứng phẫu thuật. Năm 1998, De La Torre Mondragon công bố phẫu thuật 1 thì qua đường hậu môn (One-Stage Transanal Endorectal Pull-Through Procedure) với rất nhiều ưu điểm như: ít xâm hại, làm một thì-không phải làm hậu môn nhân tạo, sẹo mổ không nhìn thấy, hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn, mổ sớm từ sơ sinh, ít dính ruột sau mổ, giảm nhiễm trùng, chức năng cơ thắt tốt, kinh tế. Phương pháp này, ngày nay đã được phổ biến rộng rãi nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, phẫu thuật này đã được ứng dụng rộng rãi tại các trung tâm phẫu thuật lớn như Viện Nhi Trung Ương, Bệnh Viện Nhi Đồng…
Thành công bước đầu này sẽ khuyến khích chúng tôi tiếp tục triển khai cho các ca bệnh sắp tới ngõ hầu giảm chi phí đi lại ăn ở cho người bệnh không phải vượt lên tuyến trên điều trị trong tình trạng luôn quá tải. Cảm ơn người bệnh và gia đình bệnh nhân đã tin tưởng và lựa chọn bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, chúng tôi sẵng sàng phục vụ.
Bs. Vũ Đức Thụ
Khoa Ngoại Tiêu hóa