Sử dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại can thiệp giúp người bệnh phình động mạch chủ bụng thoát khỏi nguy cơ tử vong
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã thực hiện thành công ca can thiệp đặt Stent graft cho người phụ nữ 64 tuổi có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm dẫn đến phình động mạch chủ bụng, động mạch chậu 2 bên với kích thước lớn.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau thắt bụng, tiến hành chụp CT.Scanner được chẩn đoán phình động mạch chủ bụng 5,4cm, phình động mạch chậu chung trái 2,5cm, phình động mạch chậu gốc phải 3cm. Nhận định đây là khối phình lớn, nguy cơ vỡ rất cao đe dọa đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời, các bác sĩ đã quyết định tiến hành đặt stent graft cho người bệnh.
Theo BSCKII. Nguyễn Đức Hoành – Trưởng khoa Phẫu thuật Can thiệp tim mạch - lồng ngực Bệnh viện cho biết: Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm khiến mạch máu nuôi dưỡng rất dễ tổn thương. Đặc biệt đối với mức độ phình lớn trong quá trình can thiệp các Bác sĩ cần hết sức thận trọng. Kíp can thiệp đã sử dụng stent graft hiện đại nhất hiện nay luồn ống đặt stent ôm trọn thành động mạch, điều chỉnh dòng chảy trong lòng mạch về trạng thái bình thường. Bằng việc làm chủ kỹ thuật cao kết hợp với thiết bị công nghệ mới, các bác sĩ Bệnh viện đã bảo tồn tối đa các mạch máu nuôi sau 2 giờ can thiệp.
Hình ảnh phình động mạch chủ bụng
Sức khỏe người bệnh hiện ổn định
Với việc đặt stent graft công nghệ mới được thiết kế hiện đại giúp bác sĩ giảm bớt thao tác, thuận tiện khi can thiệp, đặt Stent đúng vào vị trí tổn thương, tạo thành khung vững chắc bảo tồn tối đa thành mạch cho người bệnh. Kỹ thuật được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, an toàn, ít xâm lấn, ít biến chứng và đặc biệt là người bệnh hồi phục nhanh chóng sau can thiệp. Với kinh nghiệm nhiều năm can thiệp các bệnh lý tim, mạch máu kết hợp với các thiết bị công nghệ hiện đại, các Bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã điều trị thành công nhiều ca bệnh phức tạp mang đến nhiều cơ hội sống cho người bệnh.
Qua đây các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân: Phình động mạch thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, chỉ đến khi bệnh diễn biến nặng người bệnh mới có cảm giác đau sâu, liên tục ở vùng bụng hoặc một bên bụng, đau lưng, căng tức vùng xung quanh rốn (giống như đánh trống ngực). Lúc này người bệnh cần nhanh chóng được đưa đến viện để tiến hành can thiệp kịp thời. Nếu khối phình bị vỡ, khi đó tính mạng của người bệnh sẽ gặp nguy hiểm. Đặc biệt với người bệnh có tiền sử tăng huyết áp cần hết sức lưu ý khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, khám toàn diện để phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm.
Để phòng ngừa phình động mạch chủ hoặc ngăn vỡ khối phình, người bệnh cần tránh hút thuốc lá, ăn uống lành mạnh, giữ chỉ số huyết áp và cholesterol trong giới hạn cho phép, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát bệnh lý nền.
Tổ Công tác xã hội