Với thời gian phân hủy lên tới hàng trăm năm (chai nước bằng nhựa phân hủy sau 450 - 1.000 năm; ống hút có thể phân hủy sau 100 - 500 năm; túi nhựa, túi ni lông phân hủy sau 500 - 1.000 năm…), chất thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối trong việc bảo vệ môi trường Trái đất. Trong đó, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh tại các cơ sở y tế cũng là một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa ra môi trường.
Hiểu rõ trách nhiệm của mình, đồng thời nâng cao nhận thức và kêu gọi người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế cùng chung tay trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, ngày 16/4/2024, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) và Tổ chức Winrock International tổ chức chương trình Tọa đàm giảm thiểu chất thải nhựa sinh hoạt tại Bệnh viện. Tham dự chương trình có đại diện Ban Giám đốc Bệnh viện, Trưởng/Phó các Khoa/Phòng/Trung tâm, Điều dưỡng trưởng/Hộ sinh trưởng/Kỹ thuật viên trưởng các khoa và đại diện sinh viên các trường Đại học Y đang thực tập tại Bệnh viện.

Ths. BSCKII. Lê Đức Điệp phát biểu tại buổi toạ đàm

Chuyên gia Trung tâm CHERAD nhắc lại các kiến thức về phân loại chất thải

Các đại biểu tham gia chương trình toạ đàm
Tại buổi tọa đàm, chuyên gia Trung tâm CHERAD đã nhắc lại các kiến thức về phân loại chất thải, tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần tới môi trường và sức khỏe con người. Và lồng ghép những kiến thức này vào các phần chơi minigame để tăng tính tương tác, giúp các đại biểu tham gia có thể dễ dàng ghi nhớ kiến thức. Tại đây, cán bộ nhân viên y tế cũng cùng nhau thảo luận về 10 giải pháp và lựa chọn ra 3 hành động thực hiện hàng ngày, bao gồm: Mang theo túi vải/túi thân thiện với môi trường khi đi làm/đi chợ/mua sắm; Từ chối sản phẩm nhựa dùng một lần khi không cần thiết; Tái sử dụng các sản phẩm nhựa lâu nhất có thể. Thực hiện thường xuyên 3 hành động này sẽ giúp giảm thiểu chất thải nhựa sinh hoạt, đặc biệt là giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại Bệnh viện.

Các đại biểu thảo luận tại chương trình toạ đàm

Các đại biểu thảo luận tại chương trình toạ đàm

Các đại biểu tham gia trò chơi minigame về phân loại chất thải

Các đại biểu tham gia trò chơi minigame về phân loại chất thải
Các đại biểu tham gia trò chơi minigame về phân loại chất thải

Tặng quà cho các đại biểu tham gia minigame
Cũng trong ngày 16/4/2024, khi đến khu vực Căng tin của Bệnh viện, khách hàng sẽ được tham gia sự kiện “Ngày không thải nhựa”. Theo đó, mỗi khách hàng sẽ được giảm 3.000đ khi mua mỗi suất ăn tại căng tin nếu không dùng hộp, cốc nhựa, túi nilon, dụng cụ ăn uống dùng một lần tại đây. Bên cạnh đó, cán bộ nhân viên, khách hàng còn được tham gia trò chơi trả lời các câu hỏi liên quan đến việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, và được tặng các phần quà làm từ chất liệu bảo vệ môi trường, tái sử dụng nhiều lần như: bàn chải tre, túi vải, hộp thủy tinh.
Cán bộ nhân viên y tế và khách hàng tham gia sự kiện “Ngày không thải nhựa” được tổ chức tại khu vực căng tin Bệnh viện

Người bệnh và người nhà người bệnh tham gia sự kiện “Ngày không thải nhựa” được tổ chức tại khu vực căng tin Bệnh viện
Sinh viên ngành Y đang thực tập tại Bệnh viện tham gia sự kiện “Ngày không thải nhựa” được tổ chức tại khu vực căng tin Bệnh viện
Chuỗi hoạt động này nằm trong sáng kiến “Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế” mà Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí là một trong số những Bệnh viện được lựa chọn ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm CHERAD và Tổ chức Winrock International từ tháng 8/2023, triển khai mô hình giảm thiểu chất thải nhựa thuộc Dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua đó giúp Bệnh viện tăng cường thực hiện giảm thiểu sử dụng vật tư y tế làm từ nhựa, tăng phân loại chất thải nhựa từ đầu nguồn, tăng khả năng xử lý, khử khuẩn chất thải nhựa y tế để phục vụ cho quá trình tái chế và tái sử dụng phù hợp. Đây cũng là những hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Trái Đất 22/4, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng nhằm bảo vệ giá trị môi trường tự nhiên của Trái đất.
Tổ Công tác xã hội