Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh: Mái nhà ấm áp cho những mảnh đời kém may mắn
Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, vẫn còn đó những phận đời cần lắm sự chở che, chăm sóc và sẻ chia. Mỗi thành viên đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh đều mang trong mình những câu chuyện buồn, những nỗi niềm không trọn vẹn. Có người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, có người khuyết tật bị gia đình từ chối… Tuy mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi đau riêng, nhưng họ đã cùng nhau vượt qua mặc cảm, cùng chia sẻ buồn vui và dần tìm lại niềm tin, sự ấm áp trong tình thương nơi mái nhà chung – Trung tâm Bảo trợ xã hội, điểm tựa vững chắc của những mảnh đời kém may mắn.
Trong những năm qua, Trung tâm đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động chăm sóc và trợ giúp người được bảo trợ. Công tác trợ giúp được thực hiện theo kế hoạch cụ thể, bài bản, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cán bộ, viên chức được phân công theo dõi, hỗ trợ sát sao từng trường hợp. Các nhóm đối tượng sinh hoạt theo khu nhà ở được tổ chức tự quản, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự gắn bó cộng đồng. Trung tâm cũng duy trì họp nhóm định kỳ hàng tuần, tạo điều kiện để người được chăm sóc đóng góp ý kiến, chung tay xây dựng môi trường sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, công tác chăm sóc y tế cho đối tượng bảo trợ luôn được đặt lên hàng đầu. Hằng ngày, cán bộ y tế thực hiện đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe và cấp phát thuốc đều đặn cho trên 56.000 lượt đối tượng, bao gồm cả đối tượng xã hội và tự nguyện. Trung tâm phối hợp với các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh như Trung tâm Y tế thành phố Uông Bí, Phòng khám đa khoa Nam Khê, Bệnh viện Đông Đô… tổ chức khám chữa bệnh, tiêm phòng và chăm sóc vết thương, vết loét cho người nằm liệt tại chỗ.
Đặc biệt, chương trình "Mắt sáng cho người cao tuổi" được triển khai phối hợp với Bệnh viện Đông Đô đã mang lại ánh sáng và niềm hy vọng cho 31 cụ già thông qua các hoạt động khám, cấp thuốc, tư vấn và thay thủy tinh thể miễn phí cho 8 người cao tuổi.
Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phục hồi chức năng, với hơn 7.700 lượt đối tượng tham gia trong năm. Từ xoa bóp bấm huyệt, tập vận động, dùng máy điện xung, tia hồng ngoại đến các bài tập thang thăng bằng… đều được hướng dẫn và theo dõi kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, các tổ lao động trị liệu như tổ vệ sinh môi trường, tổ phụ bếp, tổ gia công tiền vàng mã… không chỉ giúp đối tượng rèn luyện kỹ năng mà còn tăng thêm ý nghĩa và giá trị sống.
Trong căn phòng nhỏ ngăn nắp, cụ Nguyễn Thị D.(84 tuổi), một người cao tuổi đang được chăm sóc tại Trung tâm xúc động chia sẻ: “Tôi không có con cháu, cứ tưởng tuổi già sẽ đơn độc. Nhưng vào đây, được các cô chú chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, tôi thấy mình vẫn còn may mắn. Ở đây, tôi có bạn già cùng trò chuyện, có người quan tâm, có những buổi sinh hoạt văn nghệ, dưỡng sinh rất vui vẻ. Đúng là một mái nhà thứ hai của mình rồi.”
Không chỉ là người cao tuổi, nhiều người khuyết tật và người lang thang cơ nhỡ sau khi được tiếp nhận cũng dần ổn định sức khỏe, hòa nhập với cộng đồng, tìm lại được niềm tin vào cuộc sống.
Việc tổ chức nấu ăn, xây dựng thực đơn và khẩu phần ăn được thực hiện khoa học, phân loại cụ thể theo nhóm sức khỏe (béo phì, tiểu đường, tim mạch, huyết áp...) để đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp. Thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ, quy trình bếp một chiều được tuân thủ nghiêm ngặt. Trong năm 2024, Trung tâm không ghi nhận bất kỳ trường hợp ngộ độc thực phẩm nào, khẳng định hiệu quả công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Song hành với chăm sóc thể chất, Trung tâm đặc biệt chú trọng chăm sóc đời sống tinh thần cho người được bảo trợ. Các hoạt động đọc báo, tuyên truyền kiến thức sức khỏe, sinh hoạt nhóm, văn nghệ, dưỡng sinh, trò chơi vận động… được tổ chức đều đặn, giúp người cao tuổi, người khuyết tật cảm thấy vui tươi, tự tin và yêu đời hơn. Những dịp đặc biệt như Tết, Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày truyền thống Người cao tuổi, lễ Vu Lan, Trung tâm đều tổ chức các chương trình giao lưu, tặng quà đầy ấm áp nghĩa tình.
Đáng chú ý, việc phối hợp với người thân đưa 36 đối tượng về sum họp với gia đình dịp Tết, hay tổ chức mừng thọ cho 20 cụ cao tuổi là những hoạt động nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ triết lý “lấy yêu thương làm phương thuốc chữa lành”.
Bằng tấm lòng, trách nhiệm và sự tận tụy, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh đã làm sáng lên những gam màu ấm áp giữa cuộc đời của những mảnh ghép không trọn vẹn. Không chỉ là nơi nuôi dưỡng thân thể, Trung tâm còn là nơi hồi sinh tinh thần, là mái nhà thứ hai cho hàng trăm số phận kém may mắn.
Chia sẻ về tâm huyết trong công tác chăm sóc, ông Nguyễn Nam Thắng – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi luôn xác định, Trung tâm không chỉ là nơi nuôi dưỡng thể chất mà còn là nơi hồi sinh tinh thần cho những người yếu thế. Mỗi cán bộ, nhân viên ở đây đều làm việc bằng cả trái tim, với mong muốn mang lại một môi trường sống nhân ái, an toàn, giàu tình thương và kỷ cương. Mỗi nụ cười, mỗi bước tiến bộ của các đối tượng chính là phần thưởng lớn nhất đối với chúng tôi.”
Với những kết quả nổi bật trong suốt những năm qua, Trung tâm tiếp tục khẳng định vai trò không thể thay thế trong hệ thống an sinh xã hội của tỉnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.