Khoa Nhi Đơn vị Tâm bệnh, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí thời gian gần đây tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp trẻ rối loạn tâm lý, đặc biệt gặp nhiều trong lứa tuổi 10 - 15 tuổi.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Hiển cho biết: trẻ đến khám với các biểu hiện như: trẻ ít nói, ngủ nhiều, không nói chuyện, giao tiếp (kể cả với người thân), có trẻ kích động, gào khóc, thay đổi cảm xúc liên tục…
Đơn cử như trường hợp của bệnh nhi N.T.T, 15 tuổi trú tại Phương Đông – Uông Bí, trẻ vào viện với các biểu hiện: trẻ ít nói, ngủ nhiều, đôi khi gào thét, nói nhảm. Từ nhỏ trẻ là một người con chăm ngoan học giỏi, luôn nghe lời cha mẹ và thường không bao giờ để cha mẹ lo lắng gì về mình. Cha mẹ kỳ vọng rất nhiều vào việc học tập của trẻ và thường xuyên nói với trẻ: “Con phải học thật giỏi, con phải thi đỗ trường chính quy”.
Trước kì thi học kì 1 tuần, trẻ có biểu hiện căng thẳng, trẻ học ít tập trung, bắt đầu ngủ nhiều. Khi có kết quả kì thi, trẻ có 2 môn học đạt điểm cao nhất khối, 2 môn học trẻ đạt điểm dưới trung bình. Sau đó cô giáo chủ nhiệm có đưa sự việc ra kiểm điểm trước lớp. Về nhà, bố mẹ thất vọng, thường xuyên nói những lời trách móc, so sánh trẻ với các bạn khác.
Sau khoảng 2-3 ngày, gia đình thấy trẻ ít nói hơn, ngủ rất nhiều và nói lảm nhảm một mình, sau đó trẻ kích thích, gào thét, khóc lóc: “Con xin lỗi bố mẹ, con đã làm bố mẹ buồn”. Lúc trẻ ngủ thì mê sảng, liên tục gọi tên bố mẹ… Trẻ phải nghỉ học vì trạng thái cảm xúc bất ổn này…
Nhận thấy trẻ có các rối loạn cảm xúc- hành vi, trẻ được điều trị đồng thời phối hợp các thuốc an thần kinh và sử dụng phương pháp tâm lý trị liệu. Cùng sự phối hợp tích cực của gia đình, sau 2 tuần các triệu chứng giảm dần, trẻ bắt đầu hợp tác với những người xung quanh, cảm xúc bắt đầu tích cực, vui vẻ. Đến nay sau 3 tuần trẻ hoàn toàn ổn định về sức khỏe và tinh thần, trẻ đã quay lại học tập, hòa nhập cùng bạn bè, trường lớp.
Bs. Hoàng Thị Hiển khám cho trẻ tại Đơn vị tâm bệnh - khoa Nhi (Hình ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Hoàng Thị Hiển: Lứa tuổi vị thành niên (10-19 tuổi), là giai đoạn trẻ có nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Nguyên nhân trẻ mắc bệnh, hay gặp ở những gia đình cha mẹ hay áp đặt, yêu cầu trẻ phải làm theo ý mình, ít có sự lắng nghe, chấp nhận quan điểm của trẻ. Vô tình, trẻ quen với tư tưởng phải làm theo ý cha mẹ, để làm hài lòng cha mẹ. Vì thế, khi không đạt những điều cha mẹ mong muốn, lại không nhận được sự chia sẻ, động viên của thầy cô và bạn bè, trẻ sinh ra tâm lý lo lắng, sợ hãi, tự trách bản thân mình...
Cũng theo bác sĩ thì đối với trường hợp của trẻ T. nếu không điều trị kịp thời, trẻ có nguy cơ dẫn đến trầm cảm, sống thu mình, có cảm giác cô độc, đôi khi sinh ra tâm lý tiêu cực.
Qua đây, các bác sĩ Bệnh viện cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, trong giai đoạn tuổi vị thành niên, ngoài việc rèn cho trẻ cách sống tự lập, trẻ cần được quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và đồng hành của gia đình và nhà trường.