Xét nghiệm tìm kháng thể Virus viêm gan E trong huyết thanh giúp bạn phát hiện sớm bệnh viêm gan cấp
1. Giới thiệu:
Cho tới nay ít nhất đã có 6 loại virut viêm gan (Hepatitis virus) gồm: HAV - virut viêm gan A; HBV - virut viêm gan B; HCV- virut viêm gan C ; HDV - virut viêm gan D; HEV - virut viêm gan E và HGV - virut viêm gan G.
Viêm gan E (Hepatitis E Virus – HEV): Là 1 virut chứa RNA do Benhamou và cộng sự tìm ra năm 1991. Cho đến nay tất cả các HEV phân lập được đều thuộc 1 typ huyết thanh duy nhất. Virut được phát hiện trong phân, mật ở những người nhiễm bệnh và bài tiết ra ngoài theo phân vào cuối thời kỳ ủ bệnh. Ngoài ra, còn có thể phát hiện được HEV trong huyết thanh của người bệnh. Bệnh viêm gan E có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng và thường diễn biến lành tính và khỏi hoàn toàn. Virus viêm gan E được truyền bệnh chủ yếu qua nước uống bị ô nhiễm. Viêm gan virus E là một bệnh thường tự khỏi trong vòng 4-6 tuần. Đôi khi, bệnh phát triển thành dạng kịch phát (suy gan cấp), có thể dẫn đến tử vong. Lưu ý với phụ nữ có thai, nhất là có thai ba tháng cuối, nếu bị nhiễm HEV dễ có nguy cơ thành viêm gan ác tính và gây tử vong cao.
Vệ sinh nguồn nước, thực phẩm, ăn chín, uống sôi để đề phòng bệnh Viêm gan E
Bệnh viêm gan E cần được lưu ý hơn từ cộng đồng, bên cạnh các bệnh lí viêm gan B, viêm gan C, bệnh viêm gan E vẫn đang là vấn đề ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 20 triệu người nhiễm vi rút viêm gan E, khoảng 3,4 triệu người có biểu hiện triệu chứng, 70 000 người chết, và 3000 thai chết lưu. Các vụ dịch xảy ra ở nhiều nước Châu Á, châu Phi, một số nước châu Âu và châu Mỹ. Ở Việt Nam, cho đến nay mặc dù chưa có nghiên cứu dịch tễ đủ lớn, nhưng một số nghiên cứu cũng đã cho thấy tỷ lệ mới nhiễm và đã từng nhiễm vi rút viêm gan E thực sự vẫn là vấn đề cần quan tâm. Việt Nam được xếp vào một trong số các nước có tỷ lệ nhiễm HEV vào loại cao.
2. Nguyên nhân và sự lây truyền bệnh Viêm gan E
Virus viêm gan E lây truyền chủ yếu qua đường phân- miệng do ô nhiễm phân của nước uống. Các đường lây khác của HEV đã được xác định, bao gồm:
- Truyền từ thực phẩm do ăn các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật bị nhiễm bệnh.
- Truyền từ các sản phẩm máu bị nhiễm bệnh
- Truyền mẹ sang con trong quá trình thai nghén.
Viêm gan E là một bệnh lây truyền theo đường nước, các nguồn nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm có liên quan. Việc ăn các hải sản có vỏ còn sống hoặc chưa nấu chín cũng đã được xác định là nguồn gốc của các trường hợp nhiễm HEV.
Các yếu tố nguy cơ đối với nhiễm viêm gan E có liên quan đến sự kém vệ sinh trong những khu vực rộng lớn của thế giới có sự phát tán virus viêm gan E có trong phân.
3. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh Viêm gan E
3 .1 Viêm gan E cấp
Phần lớn các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan E thường không có biểu hiện triệu chứng, tự khỏi trong vòng 4-6 tuần. Khoảng 7-30% các trường hợp còn lại có biểu hiện triệu chứng, thời gian ủ bệnh 15-60 ngày, trung bình 40 ngày sau khi phơi nhiễm.
Các triệu chứng bao gồm sốt, mệt mỏi, đau mỏi cơ khớp, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn. Một số ít có biểu hiện vàng da vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu, ngứa ngoài da.
Bệnh thường tự khỏi và hồi phục trong vòng 2 đến 6 tuần. Một số ít các trường hợp có thể diễn biến nặng gây suy gan cấp, tỷ lệ tử vong dao động 1-3%. Tuy nhiên, với bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai, viêm gan E có thể gây bệnh trầm trọng hơn với tỷ lệ tử vong cao hơn, trong nhóm bệnh nhân viêm gan E đang mang thai ở 3 tháng cuối của thai kỳ, thống kê các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong có thể cao từ 10 đến 30%.
3.2. Viêm gan E mạn tính
Cho đến nay, chưa có báo cáo nào về sự tiến triển của viêm gan E cấp tính thành mạn tính ở các nước phát triển, nơi chủ yếu genotype 1 và 2 chiếm ưu thế. Tuy nhiên, sự gia tăng bệnh nhân nhiễm vi rút viêm gan E genotype 3 ở các nước phát triển có thể tiến triển dẫn đến bệnh viêm gan mạn tính. Các trường hợp mạn tính này chủ yếu được ghi nhận ở các bệnh nhân được ghép tạng đặc, những người phải điều trị thuốc ức chế miễn dịch.
4. Các phương pháp xét nghiệm phát hiện bệnh Viêm gan E
4.1 Xét nghiệm máu tìm kháng thể IgM của HEV trong huyết thanh:
Đây là xét nghiệm đơn giản, dễ làm với chi phí thấp, do đó nếu xét nghiệm dương tính thì phải có phương án điều trị hoặc phòng bệnh phù hợp cho người xung quanh nhất là những người làm nghề dịch vụ chế biến thức ăn và đầu bếp các nhà hàng.
4.2 Xét nghiệm ARN trong máu để phát hiện vật chất di truyền của virus trong máu và/ hoặc trong phân như sinh học phân tử (RT-PCR) giúp chẩn đoán xác định bệnh chính xác.
Khoa Vi Sinh, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí đã triển khai xét nghiệm tìm kháng thể IgM của HEV trong huyết thanh theo phương pháp xét nghiệm miễn dịch sắc ký (Test nhanh chẩn đoán HEV - IgM) để chẩn đoán và sàng lọc bệnh viêm gan E phục vụ nhu cầu của người bệnh cũng như hỗ trợ chẩn đoán và điều trị trong lâm sàng cho kết quả chính xác, nhanh chóng. Chỉ sau khoảng 30 phút từ khi lấy máu làm xét nghiệm, người bệnh đã có được kết quả.
5. Phòng ngừa bệnh Viêm gan E
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và có đủ nước sạch, uống nước đun sôi hoặc các nước đã khử khuẩn đã bất hoạt HEV, tránh ăn thịt lợn và thịt nai sống có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm HEV type 3.
- Phòng ngừa là phương pháp hiệu quả nhất để chống lại nhiễm HEV.
- Ở mức độ quốc gia, nguy cơ lây nhiễm HEV có thể được làm giảm bằng cách:
+ Duy trì tiêu chuẩn chất lượng cho các nguồn nước công cộng
+ Xây dựng hệ thống xử lý thích hợp để loại bỏ các chất thải vệ sinh.
- Ở mức độ cá nhân, nguy cơ nhiễm HEV có thể làm giảm bằng cách:
+ Duy trì thói quen vệ sinh như rửa tay với nước sạch, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn;
+ Tránh nước hoặc nước đá mà chưa biết độ sạch.
+ Tôn trọng những yêu cầu về an toàn thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới
- Về vấn đề sử dụng vaccin trong phòng chống HEV:
+ Năm 2011, vaccin đầu tiên để phòng ngừa viêm gan virus E đã được sản xuất và đăng ký tại Trung Quốc (Li SW, 2015). Mặc dù vaccin này không có sẵn trên toàn cầu nhưng có khả năng có thể trở thành có sẵn ở một số quốc gia khác.
+ Do còn thiếu thông tin đầy đủ về sự an toàn, khả năng tạo miễn dịch và hiệu quả của vaccin HEV. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chỉ nên sử dụng vaccin HEV ở các nhóm nhỏ dân cư sau: Các trẻ em <16 tuổi, phụ nữ có thai, bệnh nhân bị bệnh gan mạn tính, bệnh nhân đang trong danh sách chờ được ghép tạng và các khách du lịch.