1.Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (hay còn gọi là GERD) là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Đây là một hiện tượng sinh lý có thể gặp ở người,ởthường xảy ra về đêm, sau bữa ăn với đặc điểm là thời gian ngắn và không gây triệu chứng.
Tuy nhiên tình trạng trào ngược dạ dày thực quản được gọi là bệnh nếu gây ra triệu chứng khó chịu, tổn thương niêm mạc thực quản hoặc các biến chứng.
Hình ảnh minh hoạ
2. Bạn có thể bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản nếu thấy có biểu hiện sau:
- Nóng rát, ợ nóng: là triệu chứng điển hình của bệnh. Đó là tình trạng nóng rát phía sau xương ức lan lên phía cổ họng và đôi khi lan ra sau lưng, cảm giác vị chua trong miệng.
- Ợ chua và ợ ra thức ăn: thường kèm theo ợ nóng, đôi khi có nôn, hay xảy ra sau ăn và nặng thêm khi cúi xuống hoặc nằm.
- Ợ hơi: xảy ra thường xuyên ngay cả khi đói.
- Nuốt khó, nuốt đau: xuất hiện ở hơn 30% người bệnh bị trào ngược, thường gặp ở người ợ nóng lâu ngày, tiến triển chậm. Nuốt đau khi niêm mạc thực quản bị tổn thương nặng.
- Ngoài ra có thể có các triệu chứng như: gầy sút cân, ăn không ngon, mất ngủ, đau họng, ho khan, khàn tiếng, hen suyễn.
3. Các biến chứng có thể xảy ra của bệnh trào ngược dạ dày thực quản:
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ngoài việc gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống, thì bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Hẹp thực quản: gặp ở 7- 23% người bệnh viêm thực quản trào ngược không được điều trị. Thường gặp ở người cao tuổi, bị trào ngược kéo dài và dùng thuốc giảm đau nhóm NSAIDS. Biểu hiện bằng triệu chứng khó nuốt kéo dài và nặng dần lên.
- Các thay đổi tiền ung thư ở thực quản( hay còn gọi là Barret thực quản): đây là biến chứng nguy hiểm và quan trọng của bệnh. Đó là tình trạng biểu mô lót phần dưới thực quản bị biến đổi và và có xu hướng trở nên ác tính. Biến chứng này gia tăng trong thời gian gần đây.
- Loét thực quản: acid dạ dày tác động là bào mòn các mô ở thực quản trầm trọng, gây ra các ổ loét từ nông đến sâu. Có thể có biến chứng gây chảy máu hoặc rò thực quản.
4. Các yếu tố nguy cơ mắc hoặc làm nặng hơn bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh, thói quen sử dụng đồ ăn cay nóng, các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá hoặc sử dụng các thuốc như Aspirin, NSAIDS...
- Béo phì.
- Các căng thẳng, stress trong cuộc sống.
- Thói quen nằm nghỉ ngay sau khi ăn.
5. Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ và nên chuẩn bị những gì trước khi đến gặp bác sĩ?
- Khi có các biểu hiện nghi mình bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám, xác định chẩn đoán và đưa ra những tư vấn, phương pháp điều trị phù hợp.
- Tuy nhiên, bạn nên chuẩn bị những thông tin về bệnh mà bác sĩ có thể hỏi để phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh như:
+ Bạn đang có những triệu chứng gì?
+ Tần suất xuất hiện triệu chứng đó bao nhiêu lần trong ngày, trong tuần?
+ Nó ảnh hưởng như thế nào trong cuộc sống?
+ Thói quen ăn uống, sinh hoạt của bạn có thể ảnh hưởng đến bệnh.
+ Những lo lắng, căng thẳng trong cuộc sống hiện tại.
+ Danh sách các loại thuốc bạn đang sử dụng.
+ Có thể nên nhịn ăn trước khi đến gặp bác sĩ, để thuận tiện cho việc áp dụng các phương pháp chẩn đoán phù hợp.
6. Các phương pháp chẩn đoán bệnh hiện nay.
Bệnh trào ngược thực quản dạ dày hiện nay thường được chẩn đoán bằng các phương pháp sau:
- Thông qua quá trình khai thác thông tin bệnh, sử dụng các thang điểm phù hợp để đưa ra chẩn đoán, phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh.
- Nội soi thực quản dạ dày tá tràng ống mềm: là phương pháp tốt nhất để phát hiện các tổn thương viêm do trào ngược, đặc biệt là tìm các biến chứng của bệnh như Barret thực quản.
- Đo PH thực quản: bằng cách đặt đầu dò đo độ PH phía trên cơ thắt thực quản và xem sự thay đổi độ PH thực quản qua các triệu chứng, với bữa ăn và tư thế trong 24h.
- Ngoài ra còn một số phương pháp khác như: đo áp lực thực quản, sinh thiết thực quản, chụp Xquang, viên nang nội soi, siêu âm nội soi.
7. Các phương pháp điều trị bệnh hiện nay.
- Thay đổi lối sống, tránh các yếu tố nguy cơ kể trên: đây được coi là phương pháp điều trị hiệu quả, cần thiết nhất, kể cả có dùng thuốc hay không dùng thuốc. Ngoài ra khi ngủ có thể kê cao đầu giường khoảng 30 cm để giúp thực quản sạch hơn. Đối với những người béo, việc giảm cân là biện pháp hữu ích vì làm giảm khá rõ triệu chứng trào ngược.
- Dùng thuốc: hiện nay có rất nhiều nhóm thuốc được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh như nhóm thuốc ức chế bơm proton, ức chế thụ thể h2, antacid.. Đối với GERD lành tổn thương và hết triệu chứng , chưa đủ để kiểm soát bệnh vì khi dừng thuốc rất hay bị tái phát. Vì vậy cần điều trị duy trì kéo dài và có kế hoạch theo dõi, đánh giá lại sau quá trình điều trị.
Ngoài 2 phương pháp chính kể trên, nếu bệnh nặng và không đáp ứng điều trị, thì có thể phải điều trị ngoại khoa hoặc nội soi can thiệp.
8. Đây là vấn đề sức khỏe cần được quan tâm hơn nữa.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát hiện ngày càng nhanh của xã hội, tỷ lệ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản ngày càng tăng .
Tại bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí hàng năm đã khám và điều trị hiệu quả bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản cho rất nhiều người bệnh. Tuy nhiên có nhiều trường hợp người bệnh đến viện với triệu chứng gợi ý của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nhưng qua thăm khám chúng tôi phát hiện ra các bệnh lý khác nguy hiểm hơn như: viêm loét thực quản do nguyên nhân khác, ung thư thực quản, bệnh lý tim mạch, hô hấp, tai mũi họng…
Nếu bạn có những thắc mắc xung quanh bệnh lý trào ngược dạ dày, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn cụ thể hơn.