1. Xét nghiệm định lượng glucose máu là gì?
Xét nghiệm định lượng glucose máu hay còn gọi là xét nghiệm đường máu hoặc xét nghiệm đường huyết, là xét nghiệm dùng để đo lượng glucose trong máu của cơ thể, cho phép phát hiện các rối loạn chuyển hoá glucose. Xác định nồng độ glucose máu lúc đói là một biện pháp sàng lọc bệnh đái tháo đường quan trọng.
Xét nghiệm định lượng glucose máu dùng để đo lượng glucose trong máu của cơ thể (Hình ảnh minh họa)
Trong thực tế, có rất nhiều loại xét nghiệm đánh giá nồng độ đường huyết khác nhau để hỗ trợ trong việc theo dõi, chẩn đoán và điều trị trong đó phổ biến nhất là:
+ Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Được tiến hành khi bệnh nhân đã nhịn ăn ít nhất 8 tiếng và là xét nghiệm đầu tiên để chẩn đoán bệnh đái tháo đường
+ Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên: Có thể thực hiện bất cứ lúc nào, không liên quan đến bữa ăn. Xét nghiệm có thể được tiến hành vài lần trong ngày và được cho là bất thường nếu có sự biến động lớn giữa các kết quả xét nghiệm trong ngày
+ Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống: Đây là xét nghiệm dùng để chẩn đoán tiền đái tháo đường và đái tháo đường và cả đái tháo đường thai kỳ.
+ Xét nghiệm HbA1c máu: Đây là xét nghiệm xác định lượng glucose kết hợp với hồng cầu có thể được dùng để chẩn đoán tiểu đường hoặc kiểm tra xem bệnh có được kiểm soát tốt hay không.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm đường máu
2.1. Bệnh nhân chưa được chuẩn bị trước khi lấy máu xét nghiệm
- Bệnh nhân không nhịn ăn và dừng dùng thuốc trước khi lấy máu. Theo yêu cầu thì bệnh nhân phải nhịn ăn hoàn toàn ít nhất 8h trước khi lấy máu. Nếu bệnh nhân đã ăn thì lượng đường máu sẽ tăng. Tùy thuộc vào thời gian từ khi ăn đến khi lấy máu và lượng thức ăn mà sẽ làm lượng đường máu tăng lên nhiều hay ít.
Khi làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh đái tháo đường, người bệnh cần nhịn ăn hoàn toàn ít nhất 8h trước khi lấy máu, nếu không lượng đường máu sẽ tăng (Hình ảnh minh họa)
2.2. Mẫu máu bị vỡ hồng cầu sẽ làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
- Vì một lý do nào đó trong quá trình lấy máu hay bảo quản làm vỡ hồng cầu thì sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Khi vỡ hồng cầu, các men trong hồng cầu được giải phóng và nó sẽ sử dụng glucose rất nhanh làm nồng độ glucose máu giảm đi.
2.3. Lượng bệnh phẩm không đủ.
- Khi lượng bệnh phẩm không đủ dẫn đến tỉ lệ chống đông bị sai, tăng nồng độ chất chống đông hoặc máu bị pha loãng, khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả.
2.4. Bảo quản mẫu bệnh phẩm không đúng
- Sau khi lấy máu mẫu máu cần được vân chuyển đến khoa Hoá sinh để thực hiện xét nghiệm. Trong trường hợp chưa thực hiện xét nghiệm ngay cần ly tâm tách huyết tương (hoặc huyết thanh) để lưu. Vì khi để lâu hồng cầu sẽ sử dụng glucose làm giảm nồng độ glucose với tốc độ khoảng 3-5% sau mỗi giờ ở nhiệt độ phòng.
2.5. Trạng thái của bệnh nhân
- Sau khi bệnh nhân gắng sức quá mức, xúc cảm mạnh, tình trạng sốc, bỏng và nhiễm trùng có thể làm tăng nồng độ glucose sinh lý. Lý do ở đây có thể do trong các tình trạng này quá trình chuyển hóa tăng lên, cơ thể cần nhiều năng lượng hơn làm glucose được đẩy vào máu nhiều hơn. Đồng thời một số hormon tăng lên kéo theo lượng glucose máu tăng.
2.6. Các nguyên nhân khác
- Các thuốc có thể làm tăng nồng độ glucose máu lúc đói là: Thuốc điều trị tâm thần, azathioprin, basiliximab, thuốc chẹn bêta giao cảm, bicalutamid, corticosteroid, diazoxid, adrenalin, estrogen, furosemid, gemfibrozil, isoniazid, levothyroxin, lithium, niacin, thuốc ức chế protease, thiazid…
- Các thuốc có thể làm giảm nồng độ glucose máu lúc đói là: Acetaminophen, basiliximab, carvediol, desipramin, ethanol, gemfibrozil, thuốc viên hạ đường huyết, insulin, thuốc ức chế MAO, phenothiazin, risperidon, theophyllin.
- Khi hàm lượng oxy máu thấp sẽ cho kết quả tăng giả tạo.
Trên đây là một số yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm đường máu. Vì vậy, để kết quả xét nghiệm cho kết quả chính xác nhất, người bệnh cần làm theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế, đồng thời, nên làm xét nghiệm tại các cơ sở y tế uy tín, đảm bảo cho việc lấy và bảo quản bệnh phẩm.