Viêm gan B là bệnh gây viêm, hoại tử tế bào gan cấp và mãn tính. Bệnh do virus viêm gan B gây ra nên rất dễ lây nhiễm. Việt Nam là quốc gia có số người mắc bệnh viêm gan B cao trên thế giới, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ có thai. Vì vậy mà vắc-xin viêm gan B được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Theo đó, trẻ sơ sinh trong 24h đầu cần được tiêm vắc-xin viêm gan B để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh các bệnh lây truyền bởi virus viêm gan B.
Trẻ được tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh
Tuy nhiên có rất nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao phải tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh sớm như vậy? Tại sao nên tiêm trong vòng 24 giờ đầu tiên sau sinh mà không đợi muộn hơn? Trẻ sơ sinh còn non nớt liệu có chịu được ảnh hưởng của vắc-xin không? Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Virus viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con. Vì thế, mục đích chính của việc tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh là để ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh từ mẹ. Trẻ sơ sinh bị nhiễm viêm gan B có nguy cơ mắc bệnh mãn tính như xơ gan, ung thư gan... lên tới 90%. Trong số đó tỉ lệ tử vong rất cao, chiếm khoảng 25%. Trẻ cần được tiêm vắc-xin viêm gan B càng sớm càng tốt. Nếu tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh, khả năng trẻ miễn dịch với virus viêm gan B lây truyền từ mẹ là khoảng 85 - 90%. Nếu tiêm muộn hơn, mức độ miễn dịch sẽ giảm dần theo từng ngày. Đến ngày thứ 7 thì gần như không còn tác dụng.
Việc tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh không chỉ giúp trẻ phòng tránh nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ mà còn bảo vệ trẻ khỏi virus viêm gan B từ môi trường xung quanh.
Tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, tất cả trẻ sau khi sinh tại Bệnh viện sẽ được các bác sĩ kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe và được tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh.
Trong vòng 24 - 48 giờ sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B, trẻ sơ sinh cần được theo dõi. Tùy theo cơ địa của mỗi trẻ, có thể xảy ra các phản ứng như:
- Quấy khóc do đau tại vết tiêm, vết tiêm tấy đỏ, sưng (khoảng 3 - 9%)
- Trẻ sốt nhẹ trên 37,7 độ C (khoảng 0,4 - 8%)
- Trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm. Đây là trường hợp rất hi hữu, hiếm khi xảy ra. Khoảng 1.000.000 ca mới gặp 1 trường hợp sốc phản vệ.
Các bậc phụ huynh cũng có thể an tâm vì trẻ được tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh. Đây là khoảng thời gian mẹ và bé đang được chăm sóc, hồi sức tại Bệnh viên nên khi có bất kỳ phản ứng nào, các bác sĩ sẽ nhanh chóng can thiệp và xử lý.
Tổ Công tác xã hội