Châm cứu bấm huyệt - Liệu pháp an toàn, phòng và điều trị bệnh rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Bệnh gây ra các triệu chứng như: chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng, buồn nôn, thậm chí ngã quỵ nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài phương pháp dùng thuốc và thay đổi lối sống, hiện phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền, đặc biệt là châm cứu và bấm huyệt, đang ngày càng được quan tâm giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả và an toàn.
Trong y học cổ truyền, rối loạn tiền đình được xếp vào phạm vi chứng "huyễn vựng". Nguyên nhân chủ yếu do tinh thần căng thẳng, chế độ ăn uống không điều độ, lao động quá mức, do chấn thương, thiếu máu gây nên...
Bác sĩ tiến hành châm cứu cho người bệnh
Cơ chế tác động của châm cứu – bấm huyệt
Châm cứu và bấm huyệt là các phương pháp tác động lên các huyệt đạo và đường kinh lạc trên cơ thể nhằm:
- Điều hòa khí huyết, khai thông kinh lạc.
- Cân bằng hoạt động của hệ thần kinh thực vật.
- Giảm căng thẳng, cải thiện lưu thông máu não – một nguyên nhân thường gặp của rối loạn tiền đình.
Các huyệt thường được sử dụng gồm: Phong trì, Thái dương, Hợp cốc, Nội quan, Ấn đường, Bách hội… Tùy vào triệu chứng cụ thể, bác sĩ sẽ chọn huyệt phù hợp và thực hiện châm cứu hoặc bấm huyệt bằng tay.
Một số huyệt vị thường được sử dụng trong điều trị rối loạn tiền đình
Ưu điểm của phương pháp
- An toàn, ít tác dụng phụ, không dùng thuốc.
- Thư giãn toàn thân, hỗ trợ giảm đau đầu, mất ngủ, stress – những yếu tố thường đi kèm rối loạn tiền đình.
- Có thể áp dụng kết hợp với y học hiện đại, nâng cao hiệu quả điều trị toàn diện.
Lưu ý khi điều trị bằng châm cứu – bấm huyệt
- Cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền.
- Không tự ý châm cứu hoặc bấm huyệt tại nhà.
- Người bệnh nên duy trì lối sống lành mạnh: ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, luyện tập thể dục nhẹ nhàng.
Lời khuyên từ chuyên gia
“Châm cứu – bấm huyệt là phương pháp điều trị bổ trợ an toàn, có thể kết hợp với điều trị nội khoa trong các trường hợp rối loạn tiền đình mạn tính. Tuy nhiên, người bệnh cần được thăm khám cụ thể để xác định nguyên nhân, từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.”
Liên hệ Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, số điện thoại 02036.291.149 để được hỗ trợ tư vấn điều trị.