Bệnh lý đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, gây ra tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
Bên cạnh việc điều trị y tế, các vấn đề liên quan đến chế độ dinh dưỡng, lối sống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tiến triển của bệnh đái tháo đường.
Ở bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số khía cạnh về chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho người bệnh đái tháo đường. Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao mắc bệnh lý liên quan đến thực phẩm. Đặc biệt thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Nguyên nhân là do cơ quan và hệ thống chống nhiễm khuẩn ở cơ thể người bệnh đái tháo đường thường kém hơn người bình thường:
1. Đường máu cao làm suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể, chức năng của các tế bào bạch cầu đa nhân trung tính và đại thực bào bị giảm sút, các tế bào miễn dịch sinh ra bị suy giảm hoặc không có khả năng “tiêu diệt” vi khuẩn. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi, phát triển làm suy giảm hệ miễn dịch cơ thể người bệnh.
2. Hệ thống miễn dịch suy giảm làm chậm khả năng nhận diện vi khuẩn và mầm bệnh độc hại, phản ứng miễn dịch chậm trễ hoặc bị ức chế làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, đồng nghĩa với việc bệnh nhiễm khuẩn do thực phẩm kéo dài hơn hoặc nghiêm trọng hơn ở nhóm người bệnh này.
3. Suy giảm chức năng thận ở người bệnh đái tháo đường cũng là một nguyên nhân. Chức năng thận suy giảm, thận không đảm bảo hoạt động tốt vai trò “làm sạch” máu khỏi chất cặn bã, tạo điều kiện cho vi khuẩn, chất độc và các mầm bệnh khác tồn tại trong cơ thể lâu hơn, có thể phát triển và gây bệnh do thực phẩm.
4. Hệ thống tiêu hoá sử dụng các dây thần kinh và tế bào thành dạ dày tạo ra acid dạ dày cho quá trình phân huỷ và di chuyển thức ăn đến đường ruột diễn ra bình thường. Ở người bệnh đái tháo đường có thể có tình trạng tổn thương dây thần kinh, thức ăn di chuyển chậm hơn, dạ dày giữ thức ăn lâu hơn, vi khuẩn có cơ hội phát triển. Nếu lượng vi khuẩn gây bệnh trong dạ dày có mật độ cao, nó có thể gây ra bệnh nhiễm khuẩn do thực phẩm.
Đảm bảo an toàn thực phẩm cho người bệnh đái tháo đường là điều cần thiết (Hình ảnh minh họa)
Với những nguyên nhân cơ bản kể trên, cho thấy sự cần thiết đảm bảo chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho người bệnh đái tháo đường. Dưới đây là một số lưu ý đơn giản nhưng hiệu quả góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người bệnh đái tháo đường:
- Vệ sinh: Thường xuyên rửa sạch tay, vật dụng lưu chứa thực phẩm, khu vực chế biến thức ăn.
- Tách riêng: Thực phẩm sống và thực phẩm đã chế biến để các vị trí riêng biệt (VD: Thịt sống, thịt gia cầm, hải sản và trứng… chưa qua chế biến có thể lây lan vi khuẩn gây bệnh sang thực phẩm chín)
- Nấu ăn: Nấu chín thức ăn có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm sống. Nên tránh ăn thực phẩm sống hoặc tái, chưa nấu chín kỹ…
- Làm lạnh: Làm lạnh thực phẩm nhanh chóng sẽ làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm phát triển nhanh nhất trong khoảng nhiệt độ từ 4°C đến 60°C. Vì vậy, tủ lạnh nên được đặt ở mức 4°C trở xuống và tủ đông -18°C hoặc thấp hơn. Nhiệt độ đông lạnh không tiêu diệt được vi khuẩn có hại nhưng giúp giữ cho thực phẩm an toàn cho đến khi nấu chín.
Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường cung nên chú ý chia khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ, ngoài 3 bữa chính là sáng - trưa - tối, bệnh nhân nên có thêm các bữa phụ vào giữa buổi sáng và buổi trưa, giữa buổi trưa và buổi tối, trước khi đi ngủ. Việc chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp ổn định đường huyết, không làm đường huyết tăng cao sau khi ăn và không bị hạ thấp khi đói.
Trong quá trình chế biến thực phẩm cho người bệnh đái tháo đường không nên cắt, thái thực phẩm quá nhỏ, không nên nấu, ninh thực phẩm quá nhừ. Bởi nếu làm như vậy thực phẩm sẽ nhanh chóng được tiêu hóa, hấp thụ sẽ làm tăng đường huyết nhanh sau khi ăn và hạ đường huyết khi đói, khi cách xa bữa ăn.
Khoa Dược