Chảy nước mắt, nước mũi hoặc ngứa da là những triệu chứng điển hình của dị ứng. Trong hầu hết các trường hợp, bác sỹ có thể kê thuốc kháng histamin để giúp giảm các triệu chứng dị ứng. Liệu rằng loại thuốc này có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ hay không?
Thuốc kháng histamin kìm hãm các tác dụng của histamin gây ra (Hình ảnh minh họa)
Tác dụng của thuốc kháng Histamin H1 là gì?
Histamin là một trong những chất trung gian giữ vai trò quan trọng trong phản ứng dị ứng. Trong cơ thể, histamin có sẵn trong các mô như: da, phổi, niêm mạc miệng, dạ dày. Khi cơ thể bị dị ứng, các tác nhân gây dị ứng sẽ tác động lên phức hợp protein và giải phóng ra histamin, gây ra những phản ứng dị ứng từ phát ban, đỏ da, phù nề, khó thở, ngứa, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, buồn nôn... cho đến các phản ứng trầm trọng như sốc phản vệ. Khi đó, chúng ta phải sử dụng các thuốc kháng histamin để điều trị. Thuốc kháng histamin H1 có cấu trúc hóa học tương tự histamin, do vậy, thuốc cạnh tranh và đẩy histamin ra khỏi thụ thể H1, từ đó, kìm hãm các tác dụng của histamin gây ra.
Trên thị trường hiện đang lưu hành nhiều chế phẩm thuốc kháng histamin H1, song nhìn chung có thể chia thành 2 loại: Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 và thế hệ 2.
Các thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1: Điển hình là chlorpheniramine, diphenhydramine, promethazine… Đây là các thuốc kháng histamin cổ điển, có khả năng tan trong mỡ tốt nên dễ dàng xâm nhập qua được hàng rào máu não gây tác dụng an thần, buồn ngủ. Thuốc có tác dụng ức chế thần kinh trung ương ngay ở liều điều trị, làm chậm chạp, mơ màng, giảm sự tỉnh táo. Bên cạnh đó, khả năng kháng cholinergic của thuốc còn gây ra những tác dụng không mong muốn như khô miệng, hầu họng, táo bón, bí tiểu, tăng nhãn áp, đặc biệt ở người bệnh glaucoma góc đóng… Thuốc có thời gian tác dụng ngắn nên cần dùng nhiều lần trong ngày.
Các thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2 (cetirizine, levocetirizine, loratadine, fexofenadine, terfenadine và astemizol…) khó qua được hàng rào máu não nên không có tác dụng an thần, ít gây tác dụng phụ buồn ngủ hơn thế hệ 1.
Vậy sử dụng thuốc kháng histamin H1 trên trẻ em thế nào cho an toàn, hiệu quả?
Cần thận trọng khi dùng thuốc kháng histamin cho trẻ em ở các lứa tuổi khác nhau (Hình ảnh minh họa)
Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc (TGA) cảnh báo không sử dụng thuốc kháng histamin thế hệ 1 cho trẻ em dưới 6 tuổi trong điều trị các triệu chứng ho, cảm lạnh và cúm; và không sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi trong tất cả các chỉ định. Các sản phẩm này có thể gây hại nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Do khả năng hòa tan trong lipid cao, thuốc kháng histamin H1 thế hệ thứ nhất có thể dễ dàng vượt qua hàng rào máu não và gây an thần, buồn ngủ, giảm tập trung và thời gian phản ứng. Thuốc kháng histamin thế hệ 1 có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và thành tích học tập của trẻ vì gây ra sự an thần và suy giảm nhận thức khi dùng vào ban ngày và ngủ kém khi dùng vào ban đêm. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng histamin thế hệ 1 trong điều trị rối loạn giấc ngủ và hành vi, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên, có thể gây nguy hiểm.
Thuốc kháng histamin chỉ điều trị triệu chứng dị ứng (ngứa, sổ mũi, nổi mề đay…) mà không điều trị được tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Do đó, điều quan trọng là phải xác định và loại trừ tác nhân gây dị ứng mới có thể chữa dứt bệnh, hạn chế tái phát.
Thuốc kháng histamin H1 chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, khi các triệu chứng dị ứng đã giảm thì nên ngừng thuốc, không nên dùng kéo dài, tránh tình trạng lệ thuộc thuốc. Đặc biệt không được dùng kéo dài cho trẻ vì có thể gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ.
Trẻ dưới 1 tuổi không được tự ý dùng thuốc kháng histamin trị sổ mũi vì có thể tăng nguy cơ xuất hiện một số biến chứng ở đường hô hấp như suy hô hấp và ngừng thở, đồng thời làm dày niêm mạc mũi, nguy hiểm hơn có thể gây ngộ độc do các chức năng và cơ thể trẻ chưa phát triển toàn diện.
Như vậy, tất cả các thuốc kháng histamin H1 đều có nhiều tác dụng phụ nên phải dùng đúng quy định về liều lượng và thời gian dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Cần theo dõi các phản ứng của thuốc khi dùng cho đối tượng đặc biệt là trẻ em. Phải để xa tầm tay của trẻ em, không tự ý sử dụng thuốc nếu không thật cần thiết.