Một số lưu ý về nhóm thuốc Statin trong điều trị tăng lipid và giảm biến cố tim mạch
Ngày nay, cùng với việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, tỷ lệ người bệnh mắc các rối loạn chuyển hóa lipid (thường được gọi là “tăng mỡ máu”) ngày càng gia tăng trong dân số, mà chủ yếu ở nhóm người cao tuổi.
Một số thành phần cơ bản trong công thức xét nghiệm “mỡ máu” người bệnh cần biết:
- LDL cholesterol (cholesterol “xấu”): khi tích tụ trong thành mạch có khả năng tạo mảng bám, gây xơ vữa thành mạch và giảm khả năng lưu thông máu. Những mảng bám này có thể vỡ dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não.
- HDL cholesterol (cholesterol “tốt”): có tác dụng loại bỏ LDL cholesterol ra ngoài cơ thể và bảo vệ thành mạch.
- Triglycerid: là chất béo trong máu được chuyển hoá từ năng lượng dư thừa trong cơ thể, có nồng độ thay đổi phụ thuộc vào bữa ăn. Tỷ lệ triglycerides cao liên quan đến béo phì, chế độ ăn nhiều tinh bột, uống rượu bia, hút thuốc, ngồi nhiều hoặc bị tiểu đường không kiểm soát.
Nhóm thuốc Statin (Atorvastatin, Rosuvastatin, Simvastatin…) là nhóm thuốc chính để điều trị các rối loạn chuyển hóa lipid - hạ mỡ máu. Statin được chứng minh là có hiệu quả trong việc dự phòng tiên phát và thứ phát các bệnh lý về tim mạch. Vì lý do đó, statin là nhóm thuốc ưu tiên được lựa chọn để điều trị hạ mỡ máu cũng như dự phòng biến cố tim mạch cho các đối tượng nguy cơ.
Đối với hầu hết mọi người, việc bác sĩ chỉ định dùng Statin sẽ có lợi ích nhiều hơn rủi ro (Hình ảnh minh họa)
Vai trò quan trọng nhất của statin là giúp giảm LDL cholesterol (cholesterol “xấu”). Statin có thể giảm LDL cholesterol từ 30-63%. Bên cạnh đó, statin cũng làm giảm triglycerid (10-30%) và tăng HDL cholesterol (cholesterol “tốt”) từ 5-15%. Statin hoạt động bằng cách ức chế cạnh tranh với cholesterol tại enzyme HMG CoA reductase, là enzyme quan trọng trong quá trình tổng hợp cholesterol tại gan. Việc này dẫn đến giảm tổng hợp cholesterol trong gan, giúp củng cố thành mạch, cố định mảng xơ vữa và giảm sưng viêm.
Statin là một thuốc có hiệu quả cao được dùng để dự phòng biến cố tim mạch thông qua việc giảm LDL cholesterol, giúp củng cố thành mạch và ngăn ngừa vỡ mảng bám. Việc dùng statin tương đối an toàn, tuy nhiên cần nhận biết các dấu hiệu bất thường khi dùng statin để có các biện pháp kịp thời xử lý. Người bệnh sử dụng statin cũng cần lưu ý các tác dụng phụ khác đã được xác nhận của Statin như sau:
- Đau hoặc tổn thương cơ: yếu hoặc đau nhức cơ là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất đối với những người dùng Statin. Tác dụng phụ lên cơ của statin phụ thuộc vào liều và các yếu tố liên quan đến bệnh nhân như tuổi cao (>65 tuổi). Suy giáp hay thiếu vitamin D cũng là những yếu tố tăng khả năng gây đau cơ do statin.
- Tổn thương hoặc viêm gan: Men gan có thể biến động trong vòng 3 tháng đầu dùng thuốc với xác suất 0.5 - 3% và phụ thuộc liều. Tuy nhiên, nó có thể phổ biến hơn hoặc nghiêm trọng hơn ở những người đã có bệnh về gan, như gan nhiễm mỡ, hoặc cần dùng liều cao Statin. Các triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, chán ăn, đau bụng trên bên phải hoặc vàng da.
- Tăng đường huyết: Đường huyết có thể tăng nhẹ ở một số người. Đây không phải là vấn đề trừ khi bạn đã có lượng đường trong máu cao. Hầu hết các bác sĩ đánh giá lợi ích của Statin lớn hơn so với nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, ngay cả đối với những người đang mắc bệnh đái tháo đường.
Nhìn chung đối với hầu hết mọi người, việc bác sĩ chỉ định dùng Statin sẽ có lợi ích nhiều hơn rủi ro. Tuy nhiên, có một số đối tượng sau có nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc cao hơn bao gồm:
- Cần dùng nhiều loại thuốc để giảm cholesterol
- Bị bệnh gan hoặc thận
- Tuổi 80 trở lên
- Người nghiện rượu nặng
Trong quá trình dùng thuốc, nếu gặp tác dụng phụ, bác sĩ có thể ngừng thuốc để xem tác dụng phụ có biến mất hay không, để xem xét việc chuyển sang một loại thuốc Statin khác hoặc giảm liều. Và cuối cùng, hãy nhớ rằng cho dù có dùng Statin hay không, thì việc thay đổi lối sống là chìa khóa để giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Thay đổi lối sống bao gồm:
- Không hút thuốc
- Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với nhiều trái cây tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt và ít đường, muối và chất béo bão hòa
- Tập thể dục thường xuyên, dành ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Trọng lượng cơ thể hợp lý.
Để bảo vệ sức khỏe, nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát, theo dõi chỉ số mỡ máu để điều trị sớm.