Nhiều người bệnh mắc tăng huyết áp, có bệnh tim mạch vì lo lắng ăn mặn có hại cho sức khỏe nên chuyển sang ăn nhạt tuyệt đối. Việc kiêng khem kỹ càng này có thực sự tốt?
Hãy nghe lời khuyên từ Ths. Bs. Nguyễn Thị Ngân - Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch – Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí để có chế độ ăn phù hợp
Vai trò của muối trong cơ thể
Natri và Clo, thành phần chủ yếu của muối là 2 nguyên tố có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan và bộ phận trong cơ thể.

Hình ảnh minh họa
Ăn nhạt tuyệt đối có thể khiến sức khỏe suy kiệt
Hiện nay, đa số người dân đã nhận thức được việc ăn mặn có thể dẫn tới nhiều bệnh. Tuy nhiên, đối với người bệnh tăng huyết áp, bệnh tim, bệnh thận... nếu kiêng khem quá mức, ăn nhạt hoàn toàn lại có thể dẫn tới những hậu quả nguy hại cho sức khỏe như:
- Nếu người bệnh tăng huyết áp kiêng quá mức mà chuyển sang ăn nhạt tuyệt đối khiến lượng natri máu giảm. Cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng khi natri máu hạ quá mức bình thường đó là não bộ. Lượng natri thấp làm cho nhu mô não bị phù (phù não) gây nên các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, mất tập trung, nôn mửa, rối loạn ý thức và nặng hơn: co giật, hôn mê. Các triệu chứng xuất hiện nặng nề nếu hạ natri nhanh và đột ngột.
- Khi natri máu giảm, áp lực thẩm thấu trong lòng mạch máu bị giảm dẫn đến huyết áp thấp hoặc tụt. Khi huyết áp tụt sẽ làm các cơ quan quan trọng của cơ thể như tim, não, thận, gan, hệ cơ... bị thiếu ôxy và các chất dinh dưỡng từ đó làm cho cơ thể mệt mỏi, suy kiệt.
- Natri máu giảm cũng làm cho nước tự do thoát ra ngoài khoảng kẽ dẫn đến hiện tượng phù tay, chân hoặc nặng hơn là phù toàn thân.
- Hạ natri máu khiến hệ cơ bị suy giảm chức năng. Các biểu hiện bao gồm mỏi cơ, liệt cơ, kiến bò, chuột rút.
Như vậy, khi người dân mắc các bệnh như tăng huyết áp, suy tim, suy thận được khuyến cáo ăn nhạt. Tuy nhiên, nếu ăn nhạt quá mức, kéo dài quá lâu có thể làm lượng muối trong cơ thể bị giảm sút và dẫn tới những hậu quả khôn lường. Việc điều chỉnh chế độ ăn sao cho không quá thừa hoặc ngược lại, quá thiếu natri máu là một việc làm cần thiết đối với những người đang phải duy trì chế độ ăn nhạt.
Cách để kiểm soát lượng muối ăn vào cơ thể
Theo Ths. Bs. Nguyễn Thị Ngân - Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí khuyến cáo người dân: lượng muối cần ăn là không quá 5 gram muối/ngày (tương đương 1 thìa cafe nhỏ).
Một người mỗi bữa không nên dùng quá 2 gram muối. Cơ thể người bình thường cần một lượng muối tối thiểu là 5gram/ngày với điều kiện là muối không bị mất đi qua nước tiểu, mồ hôi hoặc các loại dịch khác. Nếu một người ăn ít hơn 2 gram muối/ngày thì đó là lượng muối không đủ đáp ứng cho cơ thể.
Nếu gia đình có 4 người sẽ được ăn tổng là 8 gram muối/ngày x30 ngày/tháng = 320 gram muối. Mỗi một gói muối sẽ có trong lượng 200 gram và chỉ nên sử dụng số lượng muối không quá 2,5 gói trong 1 tháng.
ĐD Nguyễn Thị Hồng Hạnh