Nguyên tắc sử dụng kháng sinh và một số nhóm kháng sinh không nên sử dụng cho trẻ em
Trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh lý nhiễm khuẩn. Khi trẻ mắc bệnh, không ít các bậc phụ huynh thường tự ý sử dụng thuốc kháng sinh cho con theo kinh nghiệm. Việc này dễ đẫn đến các hệ lụy như kháng kháng sinh, tiêu diệt hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột của trẻ, rối loạn tiêu hóa, viêm ruột…
Cần dùng kháng sinh cho trẻ theo hướng dẫn của chuyên gia y tế (Hình ảnh minh họa)
Nguyên tắc chung khi sử dụng kháng sinh:
- Chỉ sử dụng kháng sinh khi thực sự nhiễm khuẩn (chỉ sử dụng sau khi có kết quả xét nghiệm hoặc thăm khám của bác sĩ xác định nguyên nhân do vi khuẩn gây ra)
- Lựa chọn đúng thuốc (căn cứ vào vị trí nhiễm khuẩn, vi khuẩn gây bệnh để lựa chọn loại kháng sinh phù hợp)
- Sử dụng thuốc đúng liều, đúng đường dùng, cách dùng và đủ thời gian của mỗi đợt điều trị
- Chỉ phối hợp kháng sinh khi thật sự cần thiết
Do trẻ em có các đặc điểm sinh lý cũng như các cơ quan trong cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, quá trình hấp thu, chuyển hóa và thải trừ thuốc diễn ra kém, dễ bị tích lũy thuốc. Mặt khác, tỷ lệ nước trong cơ thể trẻ em thường chiếm khoảng 80% cao hơn người trưởng thành, cơ bắp chưa phát triển nên 1 số thuốc tan trong nước có thể phân bố rộng, cần dùng liều cao hơn người lớn để đạt được hiệu quả điều trị. Vì vậy trẻ có nguy cơ gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc nhiều hơn người lớn.
Sử dụng thuốc không đúng sẽ gây ra nhiều bất lợi dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, vì thế cha mẹ cần nắm rõ các loại thuốc không được dùng hoặc chỉ dùng khi có ý kiến của chuyên gia y tế.

Hình ảnh minh hoạ
Một số nhóm thuốc kháng sinh không nên dùng cho trẻ em:
1. Nhóm Quinolon: gồm các thuốc Ciprofloxacin, ofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin… thường dùng trong điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đường hô hấp dưới, viêm xoang… thuốc có tác dụng phụ là tác động lên sự phát triển của xương sụn, nguy hiểm hơn nhóm này có thể gây viêm đứt gân, đứt gân achilles. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo không được dùng cho trẻ em dưới 16 tuổi.
2. Nhóm tetracyclin: gồm các thuốc như Doxycyclin, Tetracyclin là kháng sinh phổ rộng, được sử dụng để điều trị nhiều loại nhiễm khuẩn khác nhau, bao gồm cả mụn trứng cá, viêm dạ dày có vi khuẩn HP. Thuốc ảnh hưởng xấu đến các mô đang phát triển như răng, xương. Do đó, không dùng cho trẻ em dưới 8 tuổi do thuốc làm chậm phát triển xương, làm cho răng có màu vàng nâu vĩnh viễn.
3. Nhóm sulfamid: Gồm các thuốc như sulfamethoxazole, sulfadiazin... có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, rối loạn hệ thống tạo máu, dị ứng, nguy cơ gây sỏi. Ngoài ra còn gây đái tháo đường ở trẻ. Không được dùng nhóm này cho trẻ sơ sinh.
4. Nhóm phenicol: Gồm các thuốc Thiamphenicol, cloramphenicol là kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng. Thuốc có độc tính gây ức chế tủy xương, ảnh hưởng quá trình tạo máu dẫn đến thiếu máu; viêm thần kinh thị giác; hội chứng xám gây tím tái, trụy mạch. Do vậy thuốc hiện nay chỉ sử dụng khi không có lựa chọn khác. Tuyệt đối không dùng cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng.
5. Nhóm aminoglycosid: Amikacin, Streptomycin, gentamycin, neomycin… Thuốc có thể gây độc tính trên thận hoặc thính giác, dễ gây điếc vĩnh viễn, do vậy có thể dẫn đến câm, nếu dùng cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh.
6. Nhóm Lincosamid: Gồm các thuốc Lincomycin, clindamycin … có thể gây viêm đại tràng giả mạc đối với trẻ em dưới 2 tuổi.
Việc tự ý sử dụng thuốc nói chung hay kháng sinh nói riêng đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hướng đến sức khỏe của trẻ em. Vì vậy, cha mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ.