Bạn cần uống đủ nước và phải uống đúng với yêu cầu cơ thể bạn, uống quá nhiều nước sẽ khiến thận làm việc vất vả nhưng nếu rơi vào tình trạng thiếu nước, bạn sẽ không đủ năng lượng và sinh lực cho các hoạt động trong ngày. 75% trọng lượng cơ thể chúng ta là nước, trong đó:
- Ở bộ não là 85%
- Trong máu là 90%
- Ở thận là 82%
- Ở cơ bắp là 75%
- Ở xương là 22%...
Nước giúp vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng nuôi sống cơ thể; Duy trì nhiệt độ cơ thể; Đào thải các chất cặn bã qua hệ thống tiết niệu, tiêu hóa, hô hấp, da; Là thành phần chính của chất nhờn bảo vệ các khớp xương… Nếu bạn thiếu nước thì cũng như chiếc xe không có nhiên liệu để chạy, vì thế đừng bao giờ để mình thiếu nước.
Đừng bao giờ để cơ thể thiếu nước (Hình ảnh minh họa)
Vậy uống nước thế nào là đủ?
Tùy theo độ tuổi, thân nhiệt, mức độ hoạt động của mỗi người và cả thời tiết… mà mỗi người lại có nhu cầu về nước khác nhau. Thông thường trung bình một người cần khoảng 2 lít nước/ngày. Tuy nhiên, để chính xác hơn, lượng nước mà cơ thể cần được tính bằng cách chia cân nặng tính theo kg cho 30. Ví dụ, một người 45kg sẽ cần lượng nước là 1,5 lít. Nếu bạn tham gia hoạt động thể dục thể thao ra nhiều mồ hôi, vận động mạnh thì sẽ cần cung cấp lượng nước nhiều hơn lượng cơ bản theo cách tính này.
Thông thường bạn khó có thể nhận ra cơ thể thiếu nước nếu không có biểu hiện ra bên ngoài. Nếu thiếu nước nhẹ, bạn dễ mệt mỏi, buồn ngủ , đi tiểu ít, táo bón, da khô, nổi mụn trứng cá, tăng nguy cơ viêm nhiễm họng, đường hô hấp. Nếu bạn thiếu nước trầm trọng sẽ dẫn đến hạ huyết áp; tim đập nhanh; miệng khô và khát nước; không có mồ hôi, mắt khô và sưng đau…
Không nên chỉ uống nước khi khát. Bạn cần tập thói quen uống nước vào một thời điểm nhất định trong ngày để vừa không quên uống nước lại vừa đảm bảo đủ lượng nước cần thiết. Hãy đặt kế hoạch uống nước hàng ngày: bắt đầu buổi sáng với một cốc nước lọc để khởi động ngày mới. Tiếp đó là thời điểm gần trưa, giữa chiều và sau bữa tối. Đó là khi khỏe mạnh, còn khi ốm đau như sốt, tiêu chảy… thì cần bổ sung nhiều nước hơn.
Lượng nước đưa vào cơ thể không chỉ có nước tinh khiết, mà còn bao gồm cả nước trong thức ăn như rau, canh, hoa quả, nước uống như trà chanh, nước ép… Nên chú ý không thay nước tinh khiết bằng đồ uống có ga bởi chúng là kẻ thù lấy đi lượng nước trong cơ thể chứ không phải nguồn bổ sung nước.
Bạn nhớ uống nước đúng, uống đủ chứ đừng uồng thừa. Uống quá nhiều nước sẽ gây hại, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thận…
Các chuyên gia đã đưa ra nguyên tắc bộ ba khi bạn rơi vào tình huống khó khăn: Con người có thể sống 3 phút không cần không khí, sống được 3 tiếng nếu rơi vào môi trường khắc nhiệt, 3 tuần sống mà không cần thức ăn nhưng sẽ chết nếu không uống nước trong vòng 3 ngày. Vì vậy hãy cung cấp đầy đủ lượng nước cho cơ thể, uống nước thường xuyên và đúng cách.