Tật vẹo cổ do xơ hóa cơ ức đòn chũm là một trong những dị tật phổ biến ở trẻ sơ sinh hiện nay. Trẻ bị xơ hóa cơ ức đòn chũm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra những tiến triển xấu đối với sức khỏe của trẻ sau này. Xơ hóa cơ ức đòn chũm là tình trạng cơ ức đòn chũm bị xơ hóa 1 phần do tư thế bào thai hoặc tai biến khi sinh dẫn đến hạn chế tầm vận động cột sống cổ. Ở trẻ em bị xơ hóa cơ ức đòn chũm thường có xu hướng nghiêng đầu đặc trưng sang một bên, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe của trẻ. Trẻ được phát hiện sớm bị xơ hóa cơ ức đòn chũm trong 3 tháng đầu đời thì khả năng phục hồi gần như hoàn toàn.

Dấu hiệu lâm sàng nhận biết trẻ bị xơ hóa cơ ức đòn chũm:
- Dấu hiệu sớm (Ngay sau sinh – 3 tháng tuổi):
+ Có khối u nhỏ ở cơ ức đòn chũm được phát hiện sớm, khối u di động nhẹ theo cơ ức đòn chũm, không nóng đỏ đau.
+ Trẻ hạn chế vận động cổ, trẻ hay nghiêng đầu sang bên phía có khối xơ.
- Dấu hiệu muộn: sau 3 tháng tuổi, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng kỹ thuật:
+ Có khối u rắn chắc vùng cơ ức đòn chũm
+ Vẹo cổ, hạn chế vận động cổ, trẻ nghiêng đầu sang bên có khối u
+ Vẹo cột sống cổ, các đốt sống bị biến dạng
+ Lác mắt
+ Teo nửa mặt bên có khối xơ
Khi trẻ có các dấu hiệu lâm sàng sẽ được các bác sĩ cho chỉ định khám cận lâm sàng và chẩn đoán phân biệt với 1 số bệnh khác để khẳng định xơ hóa cơ ức đòn chũm.
Phục hồi chức năng (PHCN) cho trẻ bị xơ hóa cơ ức đòn chũm:
1. Nguyên tắc PHCN:
- Can thiệp sớm ngay sau sinh hoặc ngay sau khi phát hiện khối xơ
- Tích cực điều trị cho trẻ tại khoa PHCN
- Thực hiện can thiệp PHCN khi khối u không nóng, đỏ, đau
- Kỹ thuật kéo giãn từ từ, nhẹ nhàng
- Tập trước khi cho trẻ ăn
- Không thực hiện can thiệp khi trẻ khóc và chống đối
- Theo dõi nếu thấy trẻ có dấu hiệu tím tái, khó thở thì ngừng tập.

Trẻ đã được điều trị khỏi xơ hóa cơ ức đòn chũm tại khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí
- Mục tiêu can thiệp PHCN
+ Làm mềm khối cơ
+ Duy trì tầm vận động cột sống cổ
+ Ngăn ngừa biến dạng thứ phát xảy ra ở sọ mặt và cột sống cổ
2. Các phương pháp PHCN cho trẻ
- Điện, nhiệt trị liệu: điện xung, hồng ngoại giúp làm mềm khối xơ
- Vận động trị liệu:
+ Xoa bóp, day cơ ức đòn chũm
+ Kéo giãn cơ ức đòn chũm
+ Chỉnh tư thế trẻ nằm nghiêng 2 bên có gối kê theo hướng dẫn:
-
Đặt nằm nghiêng 2 bên bằng cách dùng gối kê sau lưng để trẻ nghiêng hoàn toàn, thay đổi sang từng bên sau mỗi bữa ăn hoặc 2 giờ 1 lần
-
Nằm nghiêng sang bên không có khối xơ thì không kê gối dưới đầu
-
Nằm nghiêng sang bên có khối xơ thì kê gối tam giác dưới đầu
+ Chỉnh tư thế khi cho trẻ bú
+ Kích thích trẻ vận động cổ, quay đầu sang bên bị hạn chế bằng đồ chơi, dụng cụ
Điều trị xơ hóa cơ ức đòn chũm cần bao lâu?
Việc điều trị xơ hóa cơ ức đòn chũm nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào các yếu tố sau:
- Kích thước, tính chất khối u xơ.
- Thời điểm tiến hành điều trị.
- Phương pháp điều trị.
Việc phẫu thuật cho trẻ bị xơ hóa cơ ức đòn chũm chỉ thực hiện khi các phương pháp điều trị bảo tồn không còn hiệu quả, khi cơ ức đòn chũm co ngắn và chắc, trẻ không quay cổ sang bên có khối cơ xơ, trẻ điều trị trên 18 tháng mà không khỏi.
Trẻ có dấu hiệu xơ hóa cơ ức đòn chũm cần được tư vấn và điều trị phục hồi chức năng, vui lòng liên hệ: khoa Phục hồi chức năng, tầng 1 tòa nhà DIII (Tòa nhà Trung tâm Ung bướu), số điện thoại 0203.6273.642.
***Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuyên ngành Phục hồi chức năng của Bộ Y tế.