Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể, có chức năng lọc chất thải, độc tố, chất thừa từ máu, đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Khi dùng thuốc không đúng cách, sinh hoạt không điều độ, thận có thể bị tổn thương nghiêm trọng. Ở người bệnh suy thận, chức năng lọc máu không còn hiệu quả, gây hại cho cơ thể, nguy cơ tử vong. Bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc bổ, cũng cần sử dụng đúng chỉ định và liều lượng. Tự ý sử dụng thuốc mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ có gây tổn thương thận và nhiều hệ quả khó lường khác…
Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người biết và có thể phòng tránh được bệnh suy thận do những nguyên nhân trên gây ra
Hình minh hoạ
Các loại thuốc có thể gây tổn thương thận nếu lạm dụng
1.Lạm dụng thuốc giảm đau (NSAIND)
- Các thuốc như Ibuprofen, Paracetamol, Diclofenac khi dùng quá liều và kéo dài có thể gây viêm kẽ thận và hoại tử ống thận.
- Paracetamol dùng quá liều gây độc cho gan và thận do tích tụ chất chuyển hóa độc hại
2. Kháng sinh độc với thận
- Dùng thuốc không đúng liều hoặc không kiểm tra chức năng thận trước khi dùng làm tăng nguy cơ suy thận.
3. Thuốc cản quang
- Có thể gây suy thận cấp do độc tính trực tiếp, đặc biệt ở người có bệnh nền về thận, tiểu đường hoặc mất nước.
4. Thuốc đông y không rõ nguồn gốc
- Một số loại thuốc nam, thuốc bắc chứa kim loại nặng (thủy ngân, chì) hoặc độc tố thực vật gây viêm thận kẽ, xơ hóa thận.
5. Tự ý dùng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc huyết áp
- Dùng thuốc không theo chỉ định có thể gây mất nước, rối loạn điện giải, dẫn đến suy thận cấp.
- Ngoài ra những thói quen sinh hoạt : Ăn quá mặn, nhiều đồ ngọt, uống ít nước, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ăn quá nhiều thịt và uống nhiều bia rượu cũng dễ gây suy thận.
Triệu chứng của suy thận:
- Tiểu ít hoặc vô niệu
- Phù chân, tay, mặt
- Tăng huyết áp đột ngột
- Mệt mỏi, chóng mặt
- Thiếu máu, da xanh xao
- Rối loạn tiêu hóa, chán ăn

Cách phòng tránh, giảm thiểu các nguy cơ do dùng thuốc có thể gây suy thận
- Không tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt đối với người đã và đang mắc bệnh lý về thận.
- Cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, không tự động thay đổi thuốc cũng như liều lượng và thời gian sử dụng thuốc. Tuyệt đối không được tự ý kéo dài thời gian sử dụng thuốc vì có thể gây phản tác dụng.
- Uống đủ nước hàng ngày. Nhất là khi dùng thuốc giảm đau hoặc khánh sinh, thuốc để để tăng cường sức lọc của thận. Không uống thuốc với rượu, vì có thể dẫn đến mất nước, tăng huyết áp và bệnh gan, tăng nguy cơ rối loạn chức năng thận.
- Kiểm tra chức năng thận định kỳ nếu phải sử dụng thuốc lâu dài.
- Không chia sẻ đơn thuốc của mình với người thân, bạn bè có cùng các triệu chứng bởi sức khỏe và cơ địa của mỗi người đều không giống nhau.
- Không ăn mặn, quá nhiều đồ ngọt, thức ăn chế biến sẵn. Không uống nhiều rượu bia. Tránh nhịn tiểu, thức khuya.
- Báo ngay cho bác sĩ nếu có triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc.
Suy thận có thể phòng ngừa được nếu kiểm soát thói quen sinh hoạt, dùng thuốc đúng cách đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.