Với thói quen sử dụng thuốc như hiện nay thì với các triệu chứng như: Đau đầu, đau răng, đau bụng, nhức mỏi xương khớp – chỉ cần một vài viên thuốc là mọi cơn đau tưởng như được “dẹp yên” nhanh chóng. Nhưng ít ai ngờ rằng, chính sự tiện lợi và chủ quan ấy lại đang âm thầm gây ra những tác hại không nhỏ đối với sức khỏe, đặc biệt là khi thuốc được sử dụng không đúng cách, không theo chỉ định của bác sĩ.
Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến, như paracetamol với tác dụng hạ sốt – giảm đau nhẹ, đến các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, diclofenac giúp giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Với những trường hợp đau nặng hơn như sau phẫu thuật hay ung thư, nhóm opioid như tramadol, morphin cũng được dùng dưới sự giám sát nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người bệnh – vì tâm lý “đau đâu uống đó” – đã tự ý dùng thuốc một cách cảm tính, không cần khám hay tư vấn, dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Một trong những sai lầm phổ biến nhất là lạm dụng paracetamol. Đây là loại thuốc được xem là khá an toàn nếu dùng đúng liều. Nhưng khi vượt quá 4g/ngày hoặc dùng kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau cùng chứa paracetamol (như thuốc cảm, thuốc ho…), nguy cơ tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng vàng da, men gan tăng cao chỉ vì tự uống thuốc giảm đau trong nhiều ngày liên tục.
Tương tự, nhóm thuốc NSAIDs tuy có hiệu quả giảm đau nhanh, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ cao gây loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, suy thận nếu dùng sai cách hoặc kéo dài. Việc uống thuốc khi bụng đói, kết hợp rượu bia, hay không có thuốc bảo vệ dạ dày đi kèm đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ biến chứng nặng. Đặc biệt ở người cao tuổi, người có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, suy gan – suy thận, các thuốc giảm đau càng cần được sử dụng thận trọng và có theo dõi y tế.
Nguy hiểm hơn nữa là thói quen dùng thuốc giảm đau để “chịu đựng” thay vì đi khám, vô tình khiến người bệnh bỏ qua những dấu hiệu quan trọng của các bệnh lý tiềm ẩn. Có không ít trường hợp đau bụng do viêm ruột thừa, đau xương do u xương, đau đầu kéo dài do u não... nhưng người bệnh lại tự uống thuốc giảm đau, đến khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, rất khó điều trị.
Thuốc giảm không xấu – nếu được dùng đúng người, đúng bệnh, đúng thời điểm. Nhưng việc sử dụng bừa bãi, theo “truyền miệng” hoặc “kinh nghiệm cá nhân” lại là con dao hai lưỡi. Thay vì tự ý uống thuốc, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được khám, xác định rõ nguyên nhân cơn đau, và có phác đồ điều trị phù hợp. Bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn loại thuốc giảm đau thích hợp với tình trạng cụ thể của từng người, kèm theo các biện pháp bảo vệ gan, thận, dạ dày nếu cần thiết.
Tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn và đồng hành cùng người bệnh trong việc kiểm soát đau an toàn – hiệu quả. Bên cạnh việc kê đơn, bác sĩ còn giúp theo dõi các tác dụng phụ nếu có, điều chỉnh phác đồ khi cần và đưa ra những lời khuyên hữu ích để người bệnh không chỉ hết đau, mà còn khỏe mạnh về lâu dài.
Hãy nhớ rằng: đau không phải lúc nào cũng đơn giản và thuốc giảm đau không phải lúc nào cũng “vô hại”. Sự an toàn của bạn bắt đầu từ một hành động rất nhỏ – đừng tự ý dùng thuốc khi chưa hiểu rõ cơ thể mình đang muốn nói điều gì.