1. Xét nghiệm HbA1C là gì?
HbA1C (Hemoglobin A1C) là một loại hemoglobin trong máu gắn kết với phân tử đường glucose. Sự hình thành HbA1c xảy ra chậm và tồn tại suốt trong đời sống của hồng cầu 120 ngày, thay đổi sớm nhất trong vòng 4 tuần lễ. Vì vậy, HbA1C phản ánh mức đường huyết trung bình trong khoảng 2–3 tháng trước đó

2. Xét nghiệm HbA1C có ý nghĩa gì?
- Chẩn đoán bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường
- Đánh giá mức độ kiểm soát đường huyết của người đã mắc bệnh
- Hướng dẫn điều chỉnh chế độ điều trị, ăn uống, vận động
Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), kết quả xét nghiệm HbA1c sẽ bao gồm các trường hợp sau:
Dưới 5.7%: Bình thường
Từ 5.7% đến 6.4%: Tiền đái tháo đường – có nguy cơ cao mắc ĐTĐ
Từ 6.5% trở lên: Được chẩn đoán là ĐTĐ (Khi thực hiện ở phòng xét nghiệm được chẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế)
3. Ai cần xét nghiệm HbA1C?
- Người trên 45 tuổi
- Người có chỉ số BMI cao (thừa cân, béo phì)
- Có tiền sử gia đình mắc ĐTĐ
- Người ít vận động, ăn uống không lành mạnh
- Phụ nữ từng mắc đái tháo đường thai kỳ
- Người đã được chẩn đoán ĐTĐ (nên làm HbA1C mỗi 3 tháng/lần)
4. Cần chuẩn bị gì khi làm xét nghiệm HbA1C?
- Không cần nhịn ăn, có thể lấy máu bất kỳ thời điểm nào trong ngày
- Không bị ảnh hưởng bởi thức ăn hay đồ uống vừa sử dụng
5. Khi nào cần làm lại xét nghiệm HbA1C?
- 3 tháng/lần nếu bạn đã mắc ĐTĐ hoặc đang điều trị
- 6 tháng/lần nếu đã kiểm soát tốt đường huyết
6. Những lưu ý quan trọng:
- HbA1C có thể tăng do chế độ ăn uống không kiểm soát, ít vận động, căng thẳng, stress, ngộ độc chì, nghiện rượu,…hoặc trong quá trình thay đổi thuốc điều trị của bệnh nhân hay sử dụng thuốc steroid
- HbA1C giảm trong các trường hợp thiếu máu mạn tính; người mắc các bệnh lý thiếu máu tán huyết, hồng cầu hình liềm,…dẫn đến thời gian sống của hồng cầu trong cơ thể ngắn; sau truyền máu hoặc sử dụng các thuốc vitamin C,E,…