Sinh non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh và tỉ lệ sinh non ngày càng tăng trong những năm gần đây do kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ngày càng phát triển và tỷ lệ đa thai ngày càng tăng.
Trẻ sơ sinh non tháng luôn phải đối mặt với nguy cơ tử vong và bệnh tật cao so với trẻ khác bởi mỗi tuần được ở trong bụng mẹ sẽ tăng thêm khả năng bé sinh sống và giảm thiểu bệnh tật.
Trẻ sơ sinh non tháng luôn phải đối mặt với nguy cơ tử vong và bệnh tật cao so với trẻ khác
(Hình ảnh minh họa)
Vậy, sinh non là gì?
Sinh non là khi trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ tuần thai thứ 22 đến trước 37 tuần.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO năm 2014, sinh non được phân loại dựa trên tuổi thai:
- Sinh cực non: thai dưới 28 tuần.
- Sinh rất non: thai từ 28 tuần - 31 tuần 6 ngày.
- Sinh non trung bình: thai từ 32 tuần - 33 tuần 6 ngày.
- Sinh non muộn: thai từ 34 tuần - 36 tuần 6 ngày.
Những trường hợp nào có các yếu tố nguy cơ gây sinh non?
Trong đa số các trường hợp, rất khó để có thể xác định được chính xác nguyên nhân gây sinh non. Nếu có một trong các yếu tố nguy cơ sau đây, bạn sẽ dễ bị sinh non:
- Hút thuốc, uống rượu;
- Sinh quá dày (khoảng cách giữa hai lần sinh dưới 6 tháng);
- Tuổi mẹ dưới 17 hoặc trên 35 tuổi;
- Tình trạng kinh tế xã hội thấp, lao động quá sức, hoàn cảnh kinh tế khó khăn;
- Suy dinh dưỡng (BMI < 18.6), thiếu máu;
- Mắc các bệnh lý nội khoa: tiểu đường, tăng huyết áp...;
- Tiền sử sinh non;
- Tiền sử dọa sảy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ, đau bụng, xuất huyết 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ;
- Nhiễm trùng: viêm âm đạo, viêm đường tiết niệu, viêm cổ tử cung…;
- Bất thường cổ tử cung: khoét chóp cổ tử cung, cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung;
- Tử cung dị dạng;
- Đa thai, chuyển nhiều phôi trong thụ tinh ống nghiệm;
- Thai chậm tăng trưởng hoặc suy dinh dưỡng trong tử cung;
- Vỡ ối non, nhiễm trùng ối;
- Đa ối hoặc thiểu ối;
- Rau tiền đạo hoặc rau bong non;
- Phẫu thuật ổ bụng trong thai kỳ;
- Sau các tai nạn sinh hoạt, sau ngã, tai nạn giao thông, chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp…
Những vấn đề thường gặp ở trẻ sinh non tháng?
Do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, hoạt động chưa hoàn chỉnh, trẻ có thể có nhiều vấn đề sức khỏe ngay khi sinh và sau này
* Các vấn đề lúc sinh bao gồm:
- Khó thở, suy hô hấp
- Xuất huyết não
- Nhiệt độ cơ thể không ổn định, dễ bị rối loạn thân nhiệt
- Rối loạn tiêu hóa
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng huyết, viêm ruột hoại tử
- Vàng da, thiếu máu
- Hạ đường huyết
- Miễn dịch yếu
- Tử vong
* Các vấn đề có thể xuất hiện về sau:
- Bại não
- Chậm phát triển về thể chất và tâm thần
- Thị lực giảm
- Thính lực giảm
- Răng không phát triển tốt
- Một số bệnh mãn tính
Bạn có thể ngăn ngừa sinh non bằng cách
- Ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng
- Không hút thuốc hoặc tránh hít khói thuốc, không uống rượu
- Tránh căng thẳng, mệt mỏi, làm việc quá sức, nên nghỉ ngơi nhiều
- Khoảng cách giữa hai lần sinh tối thiểu 6 tháng
- Khám và điều trị bệnh đường tiết niệu (nếu có) trước và trong khi mang thai
- Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm và điều trị
- Tầm soát và điều trị viêm cổ tử cung ở tuổi thai từ 24 -28 tuần
- Khám thai định kỳ để được siêu âm đánh giá chiều dài cổ tử cung (khoảng 16-22 tuần). Nếu chiều dài cổ tử cung ngắn, bác sĩ sẽ tư vấn các biện pháp dự phòng thích hợp.
- Hạn chế số lượng phôi chuyển ở những phụ nữ có hỗ trợ sinh sản nhằm hạn chế đa thai.Trong trường hợp đã có tiền sử sinh non, chỉ nên chuyển 01 phôi vào buồng tử cung để giảm nguy cơ sinh non do đa thai.