Quản lý thai nghén có vai trò rất quan trọng trong quá trình mang thai của phụ nữ nhằm đảm bảo cho sức khỏe của cả bà mẹ và thai nhi khi còn nằm trong tử cung nhằm chuẩn bị trước cho quá trình sinh nở, tránh những rủi ro không mong muốn.
Bác sĩ Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí siêu âm chẩn đoán sức khỏe cho chị Tòng Thị Vân sau sinh
Tháng 11/2024, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã cấp cứu thành công sản phụ 19 tuổi mang thai lần 2, thai 31 tuần. Sản phụ là chị Tòng Thị Vân, 19 tuổi (phường Phương Nam - TP Uông Bí) nhập viện trong tình trạng đau bụng và nôn nhiều. Sau khi làm xét nghiệm cho thấy sản phụ bị tiền sản giật kèm hội chứng Hellp (tăng men gan, tiểu cầu giảm và rối loạn chức năng đông máu). Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ đã quyết định ngừng thai nghén bằng phương pháp phẫu thuật lấy thai để cứu sống thai nhi và giảm nguy cơ cho sản phụ. Sản phụ sau phẫu thuật được điều trị tại khoa hồi sức tích cực nội, tình trạng sức khoẻ ổn định được chuyển về khoa sản để theo dõi.
Chị Vân cho biết lúc mang thai có đi khám thai nhưng chỉ siêu âm và không làm thêm các xét nghiệm khác. Bên cạnh đó bé đầu chị sinh thuận lợi và không có gì bất thường, nên khi mang thai bé thứ 2, chị cũng không thường xuyên đi kiểm tra.
Không chỉ riêng trường hợp của chị Vân, mà hiện có nhiều chị em trong khi mang thai thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh, ăn ngủ tốt nên chủ quan và bỏ qua việc khám thai định kỳ. Thậm chí, một số người sống ở vùng sâu, vùng xa nên hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế nên cho rằng sinh đẻ là việc bình thường trong quá trình mang thai và chưa một lần đi khám. Ngoài ra, một số sản phụ có suy nghĩ thai to mới cần đi khám nên nhiều trường hợp có biến chứng đến gặp bác sĩ thì đã quá muộn.
Theo các bác sĩ chuyên khoa khám thai muộn sẽ không thể phát hiện kịp thời những bất thường của thai nhi vì cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi trong suốt quá trình mang thai. Việc khám thai thường xuyên và định kỳ là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá rủi ro, phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm, chẩn đoán sớm và đầy đủ những dị tật bẩm sinh của thai nhi. Vì thế, các bà mẹ không nên chờ đến khi có những triệu chứng bất thường mới đi khám, mà phải chăm sóc ngay từ 3 tháng đầu thai kỳ và bắt buộc việc thăm khám định kỳ cho đến ngày sinh nở.
Theo quy định của Bộ Y tế, thai phụ tối thiểu phải khám thai 4 lần trong quá trình mang thai. Lần thứ nhất khi có thai trong 3 tháng đầu khám ít nhất 1 lần; lần thứ 2 vào 3 tháng giữa khám ít nhất 1 lần (lúc 20-24 tuần); 2 lần tiếp theo vào 3 tháng cuối khám ít nhất 2 lần. Ngoài 4 lần khám kể trên, bà mẹ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường như: Đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt..
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên tư vấn sức khỏe cho phụ nữ mang thai
Bên cạnh đó, để tối ưu hóa việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, lịch khám thai thực tế được khuyến cáo nhiều hơn: Trong 3 tháng đầu nên khám thai ít nhất 2 lần, lúc trễ kinh khoảng 2-3 tuần (thai khoảng 6-7 tuần); lần kế tiếp lúc thai 11-13 tuần; 3 tháng giữa khám 2 lần hoặc mỗi tháng 1 lần; 3 tháng cuối 1-2 lần mỗi tháng và tháng cuối cùng khám mỗi tuần 1 lần.
Trong các lần khám thai, thai phụ được kiểm tra sức khỏe bằng các xét nghiệm: Công thức máu, sinh hóa máu, miễn dịch (HIV, viêm gan B), nước tiểu, siêu âm...; theo dõi về cân nặng của mẹ, đo tim, huyết áp mẹ, tim thai, bề cao tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển và sức khỏe thai nhi. Khi khám sẽ được thực hiện các xét nghiệm tầm soát dị tật ở thai nhi và những bệnh lý liên quan thai kỳ.
Quản lý thai nghén có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các nguy cơ khi chuyển dạ và giảm tối đa những tai biến sản khoa; giúp các bà mẹ có thêm kiến thức về vệ sinh thai nghén, dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi hợp lý để thai nhi phát triển toàn diện. Vì vậy, khi mang thai các bà mẹ nên đi khám thường xuyên để hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra.
Nguồn: Báo baoquangninh.vn