Paracetamol và Ibuprofen là hai loại thuốc được sử dụng rộng rãi không cần kê đơn để hạ sốt, giảm đau... Chính vì thế, thuốc dễ bị lạm dụng, gây ra các phản ứng có hại nặng nề nếu sử dụng kéo dài.
Đúng vậy, Paracetamol và Ibuprofen không điều trị nguyên nhân gây đau, gây sốt mà chỉ hạ sốt và làm giảm các cơn đau. Tuy nhiên hai loại thuốc phổ biến này lại có tác dụng điều trị các triệu chứng khác nhau. Cùng tìm hiểu công dụng của từng loại để sử dụng cho đúng cách nhé!

Lạm dụng thuốc Paracetamol và Ibuprofen có thể gây ra các phản ứng có hại (Hình ảnh minh họa)
Sử dụng Paracetamol và Ibuprofen trong trường hợp nào?
*Paracetamol:
- Paracetamol có tác dụng làm giảm các cơn đau nhẹ đến vừa như đau đầu, đau cơ, đau răng… Đây được coi là thuốc hạ sốt an toàn và có tác dụng nhanh, hiệu quả với trẻ nhỏ, hoạt chất được các bác sĩ Nhi khoa tin tưởng và sử dụng.
- Paracetamol không có tác dụng chống viêm nên không được khuyến cáo sử dụng trong các trường hợp đau do viêm.
- Liều dùng: 10-15mg/kg/liều. Khoảng cách giữa 2 liều khoảng 4-6 giờ. Liều dùng khuyến cáo cho người lớn không quá 4g/ngày, với trẻ em thì mức liều này nhỏ hơn, càng nhỏ tuổi liều tối đa càng thấp.
- Paracetamol nếu dùng trong thời gian dài có thể gây hại cho gan.
Thận trọng khi sử dụng Paracetamol nếu đã uống thuốc cảm cúm trước đó vì trong thành phần của một số loại thuốc cảm cúm cũng có chứa Paracetamol.
*Ibuprofen:
- Có tác dụng hạ sốt kéo dài hơn Paracetamol khi có các tác nhân gây sốt như cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm khuẩn, giảm đau trên cơ, khớp, các vấn đề sưng viêm và đau bụng kinh.
- Đặc điểm quan trọng của Ibuprofen là tác dụng chống viêm trên hầu hết các nguyên nhân gây viêm. Tuy nhiên, chỉ khi sử dụng liều cao, nó mới có tác dụng chống viêm. Ibuprofen được sử dụng trong các trường hợp như viêm khớp và có thể được dùng để giảm đau trong cơn gout cấp.
- Liều dùng để hạ sốt là 7-10mg/kg/liều. Khoảng cách giữa 2 liều khoảng 6-8 giờ. Khuyến cáo dùng thuốc sau ăn để tránh gây đau và viêm loét dạ dày. Liều tối đa khuyến cáo cho người lớn 1.200mg/ngày và với trẻ em dưới 12 tuổi là 40mg/kg/ngày.
- Tác dụng phụ: Nguy cơ ợ nóng, viêm dạ dày. Dùng trong thời gian dài có thể gây loét dạ dày và tăng các nguy cơ bệnh lý về tim mạch, gan và thận.
Không dùng thuốc nếu bạn đang bị viêm loét dạ dày hay đang sử dụng thuốc điều trị huyết áp.
Trong trường hợp người bệnh bị sốt xuất huyết (các triệu chứng ban đầu rất dễ nhầm với sốt thông thường), nếu dùng Ibuprofen hạ sốt sẽ rất nguy hiểm, do thuốc này có tác dụng chống đông máu khiến hiện tượng chảy máu do sốt xuất huyết không cầm được, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa.

Trong quá trình sử dụng thuốc nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời (Hình ảnh minh họa)
Mặc dù Paracetamol và Ibuprofen đều là hai loại thuốc hạ sốt, giảm đau hiệu quả, tuy nhiên các bác sĩ khuyên dùng Paracetamol thay vì Ibuprofen độ an toàn của Paracetamol cao hơn.
Để tránh những rối loạn về tiêu hóa, nên uống thuốc vào lúc no và uống với một cốc nước lớn (khoảng 200-250ml). Chống chỉ định cho người bệnh dị ứng với paracetamol, ibuprofen, aspirin, các thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAID) khác; loét tiêu hóa tiến triển; bệnh tim, gan, thận; hen hoặc co thắt phế quản; rối loạn chảy máu; đang mang thai trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Đây là 2 loại thuốc thường dùng để điều trị đau cấp tính, chỉ nên dùng trong thời gian ngắn. Tuyệt đối không dùng liên tục kéo dài, vì để giảm đau bền vững phải điều trị tận gốc căn nguyên của bệnh. Do vậy, để sử dụng thuốc được an toàn, hiệu quả, khi có bệnh, người bệnh cần đi khám để được tư vấn dùng đúng thuốc. Và trong quá trình sử dụng thuốc, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.