Tiêm nội nhãn gồm tiêm thuốc vào tiền phòng và tiêm thuốc vào buồng dịch kính là phương pháp giúp đạt nồng độ thuốc tối đa trong nhãn cầu và hạn chế các tác dụng toàn thân của thuốc.
.jpg)
Hình minh họa
Đây là một trong những kỹ thuật cao đang được Khoa Mắt - Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển – Uông Bí ứng dụng điều trị cho người bệnh mắc một số bệnh lý nhãn khoa như: bệnh võng mạc do đái tháo đường, viêm bán phần trước, viêm nội nhãn, viêm hắc võng mạc do virus, thoái hóa hoàng điểm tuổi già, thoái hóa võng mạc cận thị, bệnh lý võng mạc trẻ đẻ non… Ưu điểm của phương pháp này là hiệu quả cao, người bệnh không phải lưu viện dài ngày.
Các nhóm thuốc thường được dùng tiêm nội nhãn hiện nay là:
- Nhóm kháng sinh: vancomycin, ceftazidim, amikacin, amphotericin B…
- Nhóm chống viêm: dexamethason, triamcinolon…
- Thuốc chống tăng sinh tân mạch: bevacizumab, pegaptanib, ranibizumab...
.jpg)
Hình minh họa
Trước đây kĩ thuật này chỉ thực hiện được ở Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, người bệnh phải đi lại nhiều lần, tốn kém chi phí, đặc biệt với bệnh lý cần điều trị thuốc chống tăng sinh tân mạch, phải tiêm và theo dõi hàng tháng. Thì nay người bệnh có thể điều trị ngay tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Phương pháp này mang lại kết quả rất tích cực và đầy triển vọng, đặc biệt đối với những người bệnh ở giai đoạn sớm. Phương pháp tiêm nội nhãn thuốc chống tăng sinh còn dễ dàng thực hiện khi có các yếu tố gây khó khăn cho việc điều trị bằng laser như: đục môi trường trong suốt, sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể hoặc xuất huyết dịch kính. Thuốc tiêm cũng làm giảm nhanh tình trạng phù hoàng điểm, khôi phục thị lực nhanh chóng.
Ngoài kỹ thuật tiêm nội nhãn, Khoa Mắt - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đang triển khai nhiều kỹ thuật điều trị mắt chuyên sâu như: Chụp cắt lớp võng mạc OCT, chụp mạch huỳnh quang, chụp hình màu đáy mắt; phẫu thuật bệnh đục thủy tinh thể theo phương pháp Phaco, laser võng mạc đái tháo đường, laser võng mạc trong bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch... Nhờ đó, nhiều người có các bệnh lý mắt phức tạp có thể điều trị ngay tại địa phương, giảm tỷ lệ người bệnh phải chuyển tuyến điều trị.