Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho một bệnh nhân nam 81 tuổi bị lồng nhiều đoạn ruột do u ruột non.
Theo Ths. Bs. Đào Đăng Sơn – Khoa Ngoại tiêu hóa & Tổng hợp cho biết: Lồng ruột ở người lớn chiếm tỷ lệ từ 1-5% còn lồng ruột ở trẻ em chiếm tỷ lệ 90% và 5% các trường hợp tắc ruột. Các trường hợp lồng ruột ở trẻ em thường không rõ nguyên nhân, nhưng ở người lớn thì ngược lại: hơn 90% nguyên nhân do u, chủ yếu là u ở ruột non và đại tràng, một số khác do viêm hạch mạc treo, viêm hồi manh tràng mạn, có túi thừa meckel, manh tràng di động. Do hiếm gặp ở người lớn nên đa phần các ca lồng ruột ở người lớn thường bị bỏ sót, chẩn đoán muộn.
Gần đây nhất là trường hợp của người bệnh nam 81 tuổi nhập viện với các biểu hiện nôn, đại tiện kém kèm đau chướng bụng, ăn kém. Qua thăm khám và dựa trên hình ảnh Xquang, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh có tình trạng lồng ruột non, nghĩ nhiều đến do u ruột non.
Cũng theo bác sĩ cho biết: Khác với việc điều trị lồng ruột ở trẻ nhỏ có thể sử dụng phương pháp bơm hơi tháo lồng hoặc phẫu thuật. Còn đối với lồng ruột ở người lớn thì chỉ có phương pháp phẫu thuật mới giải quyết được dứt điểm nguyên nhân gây lồng ruột và tránh nguy cơ tái phát cho người bệnh.
Tuy nhiên với thể trạng của người bệnh tuổi cao, gầy yếu, suy kiệt chỉ có 36kg, kèm theo đó bệnh lý nền Tăng huyết áp đòi hỏi quá trình phẫu thuật cần diễn ra nhanh chóng, chính xác.
.jpg)
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh
Khi tiến hành phẫu thuật các bác sĩ nhận thấy người bệnh bị lồng 2 đoạn ruột non và đặc biệt là khắp ruột đều có u nằm ở các vị trí khác nhau. Đoạn lồng ruột thứ nhất dài khoảng 15 cm, có khối u kích thước 3x4 cm. Đoạn thứ 2 cách đoạn ruột thứ nhất khoảng 50 cm, có 1 u kích thước 1,5 cm gây lồng ruột trên 1 đoạn dài khoảng 10 cm. Kiểm tra toàn bộ ruột non còn có 3 khối u kích thước khoảng 1 cm ở các vị trí khác nhau.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành tháo lồng ruột cho người bệnh và cắt đoạn ruột non có khối lồng. Các khối u sau phẫu thuật được gửi xét nghiệm mô bệnh học và có kết quả là u ruột non ác tính.
Hiện sau phẫu thuật sức khỏe người bệnh ổn định, có thể ăn uống và đã được xuất viện.
Qua đây, các bác sĩ cảnh bảo người dân: Lồng ruột có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Khi xuất hiện đau bụng từng đợt, có thể buồn nôn hoặc nôn, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám. Sớm nhận ra những bất thường về sức khỏe và kiểm tra sức khỏe định kỳ mới có thể phát hiện bệnh sớm để điều trị, tránh những trường hợp biến chứng có thể xảy ra.