Mổ chủ động là phương pháp mổ “bắt con” trước khi chuyển dạ, thường được thực hiện với những trường hợp đã từng sinh mổ, khi sức khỏe mẹ bầu có vấn đề hoặc khi thai nhi có dấu hiệu suy thai, kém phát triển. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mẹ bầu quyết định mổ lấy thai để chọn ngày sinh cho con ưng ý.
Hình minh họa
Nhưng việc chọn ngày, giờ để sinh con có những ảnh hưởng như thế nào đến thai phụ và thai nhi?
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết: có thể tiến hành các ca mổ đẻ trước ngày dự sinh mấy tuần tuổi. Nhưng việc can thiệp thai nhi sớm, chắc chắn làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của bào thai cũng như đứa trẻ sau này và cả người mẹ nữa.
Theo đó, dù nguyên nhân nào thì việc đứa trẻ chào đời do không được ra bằng đường tự nhiên (trẻ không đi qua ống âm đạo, phổi không bị ép để tống xuất các chất dịch) nên dạ dày và phổi có thể vẫn còn nước ối. Sự tồn ứ dịch trong phổi trẻ làm tăng nguy cơ suy hô hấp, gây bệnh màng trong.
Ngoài ra, sự chuyển dạ của người mẹ sẽ sản sinh ra nhiều hormon giúp trẻ đề kháng tốt. Những trẻ sinh mổ không trải qua quá trình này sẽ thiếu những hormon cần thiết nên thường yếu hơn những trẻ sinh thường.
Việc sinh mổ còn có thể dẫn đến những biến chứng cho người mẹ trong lần mang thai sau, nhất là nguy cơ chửa ngoài dạ con, vỡ tử cung ở mẹ, nhau thai bám vào vết mổ cũ... Và đến lần sinh con tiếp theo cũng phải sinh mổ.
Vì vậy, trước khi đề nghị chọn phương pháp sinh mổ, sản phụ cần tìm hiểu kỹ và lắng nghe những tư vấn của bác sĩ. Nếu bác sĩ không chỉ định mổ lấy thai, sản phụ nên sinh con theo cách tự nhiên. Bác sĩ sẽ chỉ định cho sinh mổ trong một số trường hợp như: thai quá to, người mẹ có bệnh nhiễm khuẩn có thể gây lây nhiễm cho bé trong khi sinh thường hay dị tật về cơ thể, mẹ mang thai nhiều bé cùng một lúc, trẻ bị suy thai nguy cơ tử vong, thai ngược...