Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chẩn đoán hình ảnh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình khám chữa bệnh. Chụp cắt lớp vi tính ( CT - Scanner ) là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ một phần không nhỏ trong quá trình chẩn đoán và xác định bệnh.
Hiện nay, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí được trang bị 4 hệ thống máy CT - Scanner, trong đó máy chụp cắt lớp vi tính 256 dãy (Hãng sản xuất Philips, xuất xứ từ Mỹ) là công nghệ tiên tiến nhất, cho kết quả chuẩn xác và đáng tin cậy nhất hiện nay.
Chụp cắt lớp vi tính (CT - Scanner) 256 dãy là gì?
Chụp cắt lớp vi tính hay còn gọi là chụp CT - Scanner (CT), là kỹ thuật được phát minh bởi nhà vật lý người Anh Godfrey Hounsfield và bác sĩ Allan Cormack vào năm 1972. Đây là kỹ thuật sử dụng chùm tia X-quang lên bộ phận nào đó trên cơ thể hoặc toàn bộ cơ thể với nhiều lát cắt ở nhiều góc độ, kết hợp sử dụng kỹ thuật vi tính để cho hình ảnh chụp 2 hay 3 chiều của bộ phận được chụp. Số lát cắt của máy chụp cắt lớp tương ứng với số hình ảnh nhận được trên màn hình, thông qua đó bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh thông qua những hình ảnh thu được.
Như vậy, công nghệ chụp cắt lớp càng nhiều dãy sẽ cho càng nhiều lát cắt tương ứng với nhiều hình ảnh về cơ quan được chụp. Khi đó, các bác sĩ có thêm nhiều cơ sở để chẩn đoán, xác định căn bệnh mà bệnh nhân mắc phải.
Ưu điểm của chụp cắt lớp vi tính 256 dãy
- Giảm liều chiếu xạ so với máy CT thông thường:
Phương pháp chụp CT 256 có tích hợp các phần mềm giảm liều phóng xạ tiên tiến nhất, giúp giảm từ 80-82 % liều chiếu xạ so với các kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính thông thường.
- Hình ảnh rõ nét:
Máy CT 256 có khả năng chụp được nhiều cơ quan, đặc biệt là chụp tim mạch, giúp ích cho việc khảo sát và điều trị các bệnh lý mạch máu và các bệnh lý về tim.
- Khả năng phân giải mô mềm
Đối với công nghệ chụp cắt lớp nói chung, khả năng phân giải mô mềm khá cao và cho hình ảnh sắc nét hơn rất nhiều so với hình ảnh chụp X-quang. Đặc biệt, công nghệ chụp cắt lớp vi tính 256 dãy được tích hợp các phần mềm xử lý hình ảnh với nhiều công cụ hỗ trợ khác nhau.
- Thời gian chụp nhanh:
Đối với máy chụp cắt lớp 256 dãy, tốc độ mỗi vòng quay là 0,28 giây, như vậy mỗi lần chụp chỉ tốn khoảng 15 giây là cho được hình ảnh chẩn đoán. Điều này là sự hỗ trợ rất lớn trong công tác chẩn đoán, xử lý ca bệnh, đặc biệt đối với những ca cấp cứu, cần có kết quả chẩn đoán sớm.
- Độ phân giải không gian cao:
Trường hợp chụp cắt lớp chẩn đoán bệnh ở xương, máy chụp cắt lớp 256 cho độ phân giải cao hơn hẳn các thiết bị chẩn đoán khác, hỗ trợ lớn trong chẩn đoán các bệnh về xương.
Nhược điểm của kỹ thuật chụp cắt lớp 256 dãy
- Khó phát hiện các tổn thương từ sụn, dây chằng, tủy sống: Tương tự, với kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính khác, chụp cắt lớp vi tính 256 dãy rất khó phát hiện những tổn thương từ sụn, dây chằng, tủy sống mà không có sự hỗ trợ thêm của các kỹ thuật chẩn đoán khác.
- Chụp cắt lớp sử dụng tia X: Bản chất của kỹ thuật chụp cắt lớp 256 dãy là sử dụng chùm tia X-quang quét qua cơ thể bệnh nhân. Sự ảnh hưởng của tia X-quang đến cơ thể con người nằm ở mức cho phép, tuy nhiên tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ cho phép hay không cho phép bệnh nhân sử dụng kỹ thuật CT để chẩn đoán bệnh.
Đưa vào sử dụng hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính 256 dãy giúp mang lại hiệu quả vượt trội trong khám chữa bệnh. Cùng với đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh được đào tạo chuyên sâu, giàu kinh nghiệm, người bệnh đến với Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí sẽ được tạo điều kiện khám, chẩn đoán nhanh chóng, kịp thời, chính xác.