Ure máu là gì?
- Ure là sản phẩm cuối cùng của chuyển hoá protein trong cơ thể được đào thải ra ngoài qua:
+ Đường tiêu hóa: phần ure đào thải trong lòng ruột được chuyển hóa thành NH3 nhờ tác dụng của các enzym urease của ruột
+ Thận: ure được lọc qua cầu thận và tái hấp thu thụ động qua ống thận.
Xét nghiệm Ure máu là gì?
- Khi cơ thể hấp thu chất đạm bằng hình thức nạp thức ăn vào cơ thể, chất này sẽ chuyển hóa thành axit amin. Axit amin này không giữ nguyên cấu trúc mà lại tiếp tục chuyển hóa thành NH3 và CO2. NH3 là chất độc hại đối với cơ thể và chất độc được lọc qua gan. Đây chính là thời điểm gan chuyển hóa NH3 thành ure và chuyển đến thận bằng các tế bào máu. Thận lại tiếp tục lọc ure một lần nữa và đào thải chúng ra ngoài.
- Xét nghiệm Ure máu là đo lượng urea nitrogen trong máu nhằm mục đích đánh giá tình trạng hoạt động của gan và thận.
Hình ảnh minh họa
- Lợi ích của xét nghiệm định lượng ure máu
+ Đánh giá mức độ đồng hóa của bệnh nhân: Tăng đơn độc nồng độ ure huyết thanh mà không kèm tăng creatinin giúp hướng tới chẩn đoán bệnh nhân có tình trạng dị hóa protein rất mạnh. Tăng song song nồng độ ure và creatinin huyết thanh gợi ý nhiều tới khả năng bệnh nhân có tình trạng suy thận
+ Là xét nghiệm không thể thiếu trước khi quyết định cho bệnh nhân sử dụng loại thuốc có nguy cơ gây độc cho thận
+ Xét nghiệm cho phép đánh giá mức độ nặng của suy thận
+ Cung cấp các thông tin để đánh giá nhu cầu chuyển hóa của cơ thể
Chỉ số Ure trong máu bình thường là bao nhiêu?
- Hiện nay, theo khuyến cáo của hãng Beckman Coulter chỉ số Ure máu ở mức bình thường ở người lớn là 2.8 - 7.2 mmol/L.
Nguyên nhân khiến Ure máu tăng cao hoặc giảm?
- Ure máu tăng cao:
+ Chế độ ăn giàu protein
+ Tăng dị hóa protein (sốt, bỏng, suy dinh dưỡng, nhịn đói, bệnh lý u tân sinh)
+ Xuất huyết đường tiêu hóa
+ Suy thận
+ Nguyên nhân khác (ngộ độc thủy ngân, nhiễm trùng nặng)
- Ure trong máu giảm:
+ Đang tuổi phát triển
+ Có thai
+ Hòa loãng máu (lọc máu, có thai những tháng cuối, tăng gánh thể tích…)
+ Hội chứng tiết ADH không thích hợp
+ Suy gan
+ Bệnh Celiac
+ Chế độ ăn không cung cấp đủ protein
+ Hội chứng giảm hấp thu
Các yếu tố làm thay đổi kết quả xét nghiệm?
- Tăng giả tạo nồng độ ure máu có thể xảy ra trên mẫu bệnh phẩm vỡ hồng cầu
- Các thuốc có thể làm tăng nồng độ ure máu: thuốc ức chế men chuyển angiotensin, acetaminophen, acyclovir, aminoglycosid, thuốc chống trầm cảm, một số loại thuốc lợi tiểu, thuốc chống viêm không phải steroid…
- Các thuốc có thể làm giảm nồng độ ure máu: Chloramphenicol, streptomycin…