Xét nghiệm tinh dịch đồ giúp phát hiện sớm các vấn đề về sinh sản và hiếm muộn ở nam giới
1. Giới thiệu:
Việc tầm soát sức khỏe sinh sản trước hôn nhân rất quan trọng với các cặp vợ chồng muốn có con sau này. Một trong những nguyên nhân khiến cho nam giới (đủ tuổi kết hôn) bị vô sinh là do chất lượng tinh trùng yếu hoặc có sự bất thường. Xét nghiệm tinh dịch đồ giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến tinh dịch và tinh trùng. Vì vậy, xét nghiệm này có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng tinh dịch, tinh trùng nhằm sàng lọc nguy cơ vô sinh, hiếm muộn ở nam giới.
2. Một số khái niệm cơ bản liên quan đến xét nghiệm tinh dịch đồ
2.1. Tinh dịch là gì:
Tinh dịch là chất dịch màu trắng đục hoặc hơi vàng chứa tinh trùng, xuất hiện khi nam giới đạt cực khoái và xuất tinh. Ngoài phần chất nhờn được tiết ra từ niệu đạo trước khi xuất tinh thì 10% tinh dịch được sản xuất từ ống dẫn tinh, 30% ở tiền liệt tuyến và 60% từ túi tinh. Có thể nhìn thấy tinh dịch bằng mắt thường.
2.2. Xét nghiệm tinh dịch đồ là gì:
Xét nghiệm tinh dịch đồ là xét nghiệm kiểm tra, đánh giá một mẫu tinh dịch. Kết quả để xem số lượng và hình thái, khả năng hoạt động của tinh trùng trong tinh dịch (chất lượng của tinh trùng).
Hình ảnh tinh trùng soi dưới kính hiển vi điện tử
3. Mục đích của xét nghiệm tinh dịch đồ
Xét nghiệm tinh dịch đồ được tiến hành để kiểm tra, đánh giá số lượng và chất lượng của tinh trùng trong tinh dịch, từ đó tìm ra nguyên nhân và hướng chữa trị. Vì vậy, Nam giới cần làm xét nghiệm tinh dịch đồ trước khi kết hôn hoặc khi vợ chồng đang có kế hoạch mang thai nhưng vẫn chưa thành công. Ngoài ra, xét nghiệm tinh dịch đồ còn được áp dụng khi nam giới vừa mới thắt ống dẫn tinh (một thủ thuật ngoại khoa thường dùng để tránh thai ở nam giới) giúp phân tích và đánh giá độ hiệu quả của phương pháp thắt ống dẫn tinh đó.
4. Xét nghiệm tinh dịch đồ có cần thiết không
Xét nghiệm tinh dịch đồ rất cần thiết với nam giới chuẩn bị kết hôn, hiếm muộn (thường trên 01 năm) hoặc người vừa thực hiện thắt ống dẫn tinh. Ngoài ra một số trường hợp sau nên thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ:
- Đánh giá khả năng sinh sản và phát hiện vô sinh ở nam giới.
- Sàng lọc các trường hợp vô sinh, hiếm muộn cần làm xét nghiệm tinh dịch trước khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
- Nghi ngờ mắc các bệnh ở tinh hoàn, niệu đạo, tuyến tiền liệt, …
5. Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ
5.1. Kiểm tra khả năng sinh sản
Xét nghiệm tinh dịch đồ thường được chỉ định cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Việc kiểm tra giúp bác sĩ xác định tình trạng vô sinh, phân tích xác định số lượng và chất lượng tinh trùng hoặc rối loạn chức năng sản xuất tinh trùng ở nam giới
5. 2. Kết quả kiểm tra thắt ống dẫn tinh
Nam giới đã thắt ống dẫn tinh cần thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ để đảm bảo không có tinh trùng trong tinh dịch. Trong thắt ống dẫn tinh, 2 ống dẫn tinh từ tinh hoàn đến dương vật được “vô hiệu hoá” giúp kiểm soát khả năng sinh sản vĩnh viễn.
6. Một số lưu ý cần biết trước khi khám làm xét nghiệm tinh dịch đồ
Xét nghiệm tinh dịch đồ được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí
- Để tinh trùng có được chất lượng tốt nhất, bạn nên hạn chế xuất tinh trong vòng từ 3 – 5 ngày (kiêng sinh hoạt vợ chồng).
- Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá…
- Không sử dụng thực phẩm chức năng hoặc một số loại kháng sinh (nếu đang sử dụng phải báo với bác sĩ khám).
- Tránh sử dụng các thuốc nội tiết tố.
- Lối sống lạnh mạnh, dinh dưỡng hợp lý.
- Uống nhiều nước, ăn thêm thịt bò, hải sản…
- Không rửa tay bằng xà phòng trước khi lấy mẫu, chỉ rửa tay bằng nước sạch để không làm chết tinh trùng.
- Ưu tiên lấy mẫu vào buổi sáng.
- Không lấy tinh dịch khi cơ thể đang trong tình trạng viêm nhiễm hoặc sốt cao.
Hiện nay, Khoa Vi Sinh, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí đã và đang triển khai xét nghiệm tinh dịch đồ thường quy cho nam giới đến khám và điều trị bệnh liên quan đến sinh sản và hiếm muộn. Cho kết quả xét nghiệm nhanh chóng, chính xác, kịp thời và hiệu quả. Nam giới có nhu cầu làm xét nghiệm tinh dịch đồ sẽ được bác sĩ khám, tư vấn và hướng dẫn các bước làm xét nghiệm để có hướng can thiệp, điều trị phù hợp.
Khoa Vi sinh