1. Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị bệnh nhân bỏng
Để điều trị bệnh nhân bỏng ngoài việc xử trí bước đầu hồi sức chống sốc, chống nhiễm khuẩn bỏng thì việc nuôi dưỡng bệnh nhân bỏng có vai trò rất quan trọng. Giúp cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng cần thiết để tái tạo mô, nâng cao sức chống đỡ của cơ thể, bù đắp cho trạng thái dị hoá cao trong bệnh bỏng.
Cung cấp dinh dưỡng đúng cách cho bệnh nhân bỏng rất quan trọng
để giúp người bệnh sớm phục hồi (Hình ảnh minh hoạ)
2. Nguyên tắc chung về dinh dưỡng cho bệnh nhân bỏng
- Tăng protein (chất đạm) để bù lại lượng đạm mất qua vết bỏng và tái tạo da. Lượng đạm hàng ngày từ 70g đến 140g.
- Tăng năng lượng tuỳ thuộc vào diện tích bỏng và mức độ sâu của bỏng, năng lượng khuyến cáo từ 2.100 kcal đến 3.500 kcal/ngày.
- Tăng vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A, C, Kẽm, acid béo Omega - 3
- Những ngày đầu chỉ nên cho bệnh nhân ăn lỏng, các chất dinh dưỡng cần được tính toán theo từng tình trạng cụ thể, cân nặng cơ thể, diện tích và độ sâu của vết bỏng. Nếu lượng ăn qua đường miệng/sonde chưa đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và đạm, cần xem xét để truyền dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.
- Cung cấp đủ nước tuỳ theo cân nặng.
- Cần ăn nhiều bữa kể cả ban đêm để bù đủ năng lượng, trung bình 6 - 8 bữa/24 giờ. Tuỳ thuộc vào mức độ nặng của bỏng, bỏng càng nặng càng phải ăn nhiều bữa (2h/1 bữa) để bù đủ nhu cầu năng lượng.
3. Chế độ ăn
Trong 48h đầu
- Ăn lỏng qua sonde
- Chế phẩm của sữa bò, sữa đậu nành thêm đường, đạm, béo kèm nước quả tươi.
- Hoặc dung dịch gạo, trứng, sữa, dầu ăn, giá đỗ, kèm nước quả tươi.
Sau 48h
- Ăn bằng đường miệng.
- Theo sở thích của người bệnh: gạo, mỳ, dầu, mỡ.
- Tăng cường thịt bò, thịt lợn, cá, trứng, sữa, các loại hạt giàu đạm thực vật như đậu tương, hạt điều… để bổ sung acid amin.
- Bổ sung rau xanh, quả chín hàng ngày.
- Nước 40 ml/1 kg cân nặng và lượng dịch mất qua vết bỏng.
- Tăng dần đậm độ thức ăn để bù đủ năng lương và đạm sớm.