Ung thư cổ tử cung là ung thư bắt đầu ở cổ tử cung của phụ nữ. Phát triển chậm theo thời gian và thường bắt đầu với những thay đổi bất thường của các tế bào ở cổ tử cung được gọi là chứng loạn sản.

Ở Việt Nam, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ 2 sau ung thư vú.
Ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Chỉ đến khi bệnh nặng dần và biến chứng thì mới được phát hiện. Khi đó việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên nếu bệnh được phát hiện sớm thì việc điều trị ít tốn kém và khả năng chữa khỏi cao hơn.
Theo khuyến cáo, để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, phụ nữ nên làm phết tế bào cổ tử cung:
+ Từ 21 - 29 tuổi chỉ phết tế bào ung thư cổ tử cung (mỗi năm 1 lần)
+ Từ 30 - 65 tuổi ưu tiên phết tế bào cổ tử cung và định type HPV (3 năm làm 1 lần) hoặc chỉ phết tế bào (mỗi năm làm 1 lần)
Tầm soát ung thư cổ tử cung như thế nào?
Người bệnh sẽ được các bác sĩ dùng 1 que nhỏ lấy tế bào trên bề mặt cổ tử cung. Mẫu tế bào này sẽ được bảo quản trong dung dịch và gửi đi xét nghiệm.
Phải làm gì khi kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường?
- Tùy trường hợp bác sĩ sẽ cho chỉ định làm thêm: soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung để chẩn đoán xác định bệnh.
- Bác sĩ tư vấn và điều trị tùy trường hợp cụ thể như: khoét chóp cổ tử cung, cắt tử cung + nạo hạch.
Để tầm soát ung thư cổ tử cung, bạn hãy đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa để làm xét nghiệm tầm soát bệnh. Hãy tự bảo vệ sức khỏe của bạn bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần và khi có các dấu hiệu bất thường.
Khoa Phẫu trị - Xạ trị & Y học hạt nhân