Mùa hè là thời điểm các bệnh truyền nhiễm tăng mạnh, nhất là ở trẻ em. Từ đầu tháng 4 trở lại đây, số bệnh nhi nhập viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn đường ruột tăng nhanh.
Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa ở trẻ thường do các vi khuẩn dạng Campylobacter và vi khuẩn Escherichia coli (E. coli), trực khuẩn lỵ Shigella , Salmonella, vi khuẩn tả Vibrio Cholerae. Các vi khuẩn này sau khi xâm nhập vào đường tiêu hóa sẽ sản xuất các độc tố ruột. Các độc tố này làm sự hấp thụ nước và điện giải ở ruột non bị rối loạn, nhiều nước sẽ xuống đại tràng, không có khả năng hấp thu trở lại gây tiêu chảy.
Với các triệu chứng như sốt cao, đau bụng, quấy khóc, đi ngoài phân lỏng, phân có chất nhầy, nôn mửa… Lúc này cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
Tuyệt đối các bậc phụ huynh không được tự ý mua các loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh vì điều này có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Chỉ sử dụng thuốc sau được khám và tư vấn cũng như chỉ định dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa.
Vậy cần làm gì để phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cho trẻ?
- Cha mẹ có thể phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ em bằng chế độ ăn uống, vệ sinh và lối sống khoa học, lành mạnh.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cho trẻ ăn các thực phẩm đã được nấu chín.
- Thường xuyên cho trẻ rửa tay với xà phòng: trước khi ăn, trước và sau khi đi vệ sinh.
- Đảm bảo vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ…
Những loại thực phẩm nên dùng khi trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn là: gạo, khoai tây, các loại rau quả có màu vàng và đỏ, xanh thẫm, giá đỗ xanh; thịt gà, bò, thịt thăn lợn, trứng, sữa; Dầu thực vật, mỡ gà, mỡ lợn; Các loại quả tươi: cam, bưởi, chuối, xoài, đu đủ, nước dừa…
Những thực phẩm cần tránh là các thức ăn thô nhiều chất xơ như: ngô hạt, đậu đỗ nguyên hạt, rau cần, rau bí, măng… Nước ngọt có ga, tránh ăn đồ lạnh khi trẻ bị viêm họng: kem, thức ăn quá nguội lạnh.