1. Nhiễm khuẩn vết mổ là gì?
- Tình trạng nhiễm khuẩn vết mổ được xác định khi có hiện tượng nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật từ khi mổ đến 30 ngày sau với loại phẫu thuật không cấy ghép và 1 năm sau mổ với phẫu thuật có cấy ghép bộ phận giả. Có 3 loại nhiễm khuẩn vết mổ gồm:
+ Nhiễm khuẩn vết mổ nông - tình trạng nhiễm khuẩn ở lớp da hoặc dưới da tại vị trí rạch da.
+ Nhiễm khuẩn vết mổ sâu bắt nguồn từ nhiễm khuẩn vết mổ nông và đi sâu vào lớp gân cơ bên trong.
+ Nhiễm khuẩn ở các cơ quan hoặc khoang của cơ thể.
- Nhiễm khuẩn vết mổ mang đến nhiều hậu quả cả về sức khỏe và tài chính cho người bệnh vì vừa kéo dài thời gian bệnh tật vừa làm tăng chi phí điều trị. Ngoài ra, nhiễm khuẩn vết mổ còn làm tăng vấn đề lạm dụng kháng sinh, thậm chí còn dẫn đến tỉ lệ tử vong cao hơn.
2. Các biện pháp phòng nhiễm trùng vết mổ
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Hình ảnh minh họa)
Để phòng tránh nhiễm trùng vết mổ, bạn cần:
- Bạn hãy cho bác sĩ biết về tình trạng dị ứng, tiểu đường, thuốc đang điều trị... của bản thân vì có thể ảnh hưởng đến khả năng nhiễm trùng sau phẫu thuật.
- Không hút thuốc lá, uống rượu hoặc các chất kích thích khác vì có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể
- Không cạo râu, lông gần vị trí mổ vì cạo bằng dao cạo có thể gây kích ứng da, trầy xước và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
- Thực hiện các hướng dẫn của nhân viên y tế hướng dẫn trước cuộc mổ như tắm gội, thay quần áo, vệ sinh cá nhân, tháo bỏ đồ trang sức….
- Sau mổ không tự ý tháo băng vết mổ, không chạm vào vết mổ hoặc băng vết mổ;
- Người nhà chăm sóc phải rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh trước và sau tiếp xúc hay chăm sóc người bệnh.
- Báo ngay cho nhân viên y tế khi người bệnh có các dấu hiệu bất thường như: Sốt, vết mổ đau tăng, có biểu hiện sưng tấy, đỏ hoặc có mủ, dịch chảy ra từ vết mổ; Bung chỉ vết mổ; Vùng da xung quanh phù nề, sưng đau…
- Hỏi nhân viên y tế cách chăm sóc vết mổ trước khi ra viện nếu bạn chưa biết và phải rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh trước và sau khi chăm sóc vết thương.
Trên đây là những thông tin giúp người bệnh và gia đình hiểu thêm về tình trạng nhiễm khuẩn vết mổ và chủ động hơn trong việc chăm sóc bản thân sau mổ. Nhiễm khuẩn vết mổ tuy phổ biến, nhưng nếu các cơ sở khám và chữa bệnh, người bệnh cùng người nhà thực hiện đầy đủ, đúng đắn các biện pháp phòng tránh, tỉ lệ nhiễm khuẩn vết mổ có thể giảm thiểu đáng kể.