Tuổi càng cao, giấc ngủ càng dễ bị rối loạn do nhịp sinh học trong cơ thể thay đổi, bệnh tật, lão hóa tự nhiên… Các triệu chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi có thể khác nhau ở từng người, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Hình minh họa
Triệu chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
- Gặp khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ.
- Thường xuyên tỉnh dậy giữa đêm hoặc lúc gần sáng khi chưa ngủ đủ giấc và không thể hoặc khó có thể ngủ lại.
- Dễ ngủ vào ban ngày và gặp khó khăn khi ngủ vào ban đêm. Ở những trường hợp nghiêm trọng hơn, người cao tuổi có thể không ngủ được vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
- Mệt mỏi, uể oải, đau đầu, đau mỏi vai, gáy sau khi thức dậy vào buổi sáng.
- Ngủ không sâu giấc, dễ bị đánh thức bởi những tác động rất nhỏ.
- Đôi khi, người cao tuổi cũng gặp chứng ngủ rũ, ngủ ngáy to, gặp ác mộng… Đây cũng có thể được xem là những triệu chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi.
Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ
- Suy giảm chức năng do lão hóa tự nhiên
- Ngưng thở hoặc gián đoạn hơi thở khi ngủ
- Hội chứng chân tay cử động trong vô thức
- Rối loạn giấc ngủ do các bệnh lý nội khoa: Người cao tuổi dễ mắc các bệnh lý tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn giấc ngủ như bệnh về xương khớp, hô hấp (viêm phế quản, hen suyễn, ho khan kéo dài…), bệnh về đường tiêu hóa (viêm đại tràng, viêm dạ dày, đầy bụng…), bệnh liên quan đến hệ thần kinh (sa sút trí tuệ, Alzheimer, Parkinson…), bệnh về nội tiết (đái tháo đường, suy tuyến giáp…), bệnh về tim mạch (hở van tim, rối loạn nhịp tim…). Đây là những bệnh lý có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng giấc ngủ.
- Rối loạn giấc ngủ do tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến giấc ngủ ở người cao tuổi, điển hình như: Thuốc lợi tiểu thường dùng trong phác đồ điều trị tăng huyết áp, tăng nhãn áp.
Các nguyên nhân khác gây rối loạn giấc ngủ
- Môi trường: Các vấn đề về môi trường sống như: ô nhiễm tiếng ồn/ánh sáng/môi trường, không gian phòng ngủ chật hẹp, thiếu không khí, ẩm thấp…
- Chế độ dinh dưỡng: chưa phù hợp như không đủ dưỡng chất cần thiết, ăn uống không đúng giờ, sử dụng nhiều chất kích thích (cà phê, bia, rượu…), hút thuốc lá… có thể gặp các vấn đề về rối loạn giấc ngủ.
Vậy nên làm gì để phòng ngừa rối loạn giấc ngủ cho người cao tuổi?
- Tránh xa các chất kích thích
- Ngủ trưa ngắn khoảng 15-20 phút để có giấc ngủ sâu hơn về ban đêm. Thiết lập 1 lịch ngủ khoa học: nên đi ngủ đêm và thức dậy buổi sáng vào một mốc giờ cố định phù hợp.
- Tập thể dục: Bắt đầu bài tập thường xuyên như đi bộ, chạy bộ hoặc bơi lội có thể giúp ngủ nhanh hơn, giấc ngủ sâu hơn và ít thức giấc thường xuyên hơn trong đêm. Tuy nhiên cần tránh tập thể dục trong vòng một vài giờ trước khi đi ngủ.
- Tạo môi trường phòng ngủ thoải mái, sạch sẽ, yên tĩnh, thoáng mát.
- Ăn uống hợp lí: Cần kết thúc bữa ăn tối vài giờ trước khi đi ngủ, đồ ăn dễ tiêu hóa, tránh đồ ăn khó tiêu.
- Thiết lập một thói quen thư giãn trước khi ngủ: ngồi thiền, nghe nhạc trước khi ngủ, tránh các hoạt động có thể gây căng thẳng như bàn luận công việc hoặc thảo luận các vấn đề gay gắt.
- Hạn chế uống nước trước khi ngủ: hạn chế đi tiểu ban đêm khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
Các triệu chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Nếu bị rối loạn giấc ngủ liên tục, không điều chỉnh được bằng các biện pháp điều trị thay đổi lối sống nêu trên, đặc biệt là tình trạng buồn ngủ vào ban ngày, người cao tuổi cần gặp các bác sĩ để được tư vấn. Sau khi loại trừ các nguyên nhân bệnh lý hoặc tâm thần, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên, phương pháp tốt nhất để điều trị phù hợp.