Sau phẫu thuật chóp xoay khớp vai - Cảnh báo những di chứng và sự cần thiết của Phục hồi chức năng
Rách chóp xoay khớp vai gây đau, yếu cơ và giảm vận động vai, tay trong hoạt động hay sinh hoạt hàng ngày, đây là tình trạng chấn thương dễ gặp ở những người hoạt động cánh tay cường độ mạnh hoặc hay vươn, rướn cao hoặc chấn thương.

Người có hoạt động cánh tay cường độ mạnh hoặc hay vươn, rướn cao có nhiều nguy cơ bị rách chóp xoay khớp vai (Hình ảnh minh hoạ)
Chóp xoay là nhóm gồm 4 cơ của khớp vai theo thứ tự từ trước ra sau đó là: cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai và cơ tròn bé. Nhóm các cơ nâng có tác dụng giữ vững khớp vai 1 phần không cho trật khớp và có nhiệm vụ cử động khớp vai. Chóp xoay có thể bị rách ở bất kỳ vị trí nào nhưng hay gặp rách cơ trên gai.

Chóp xoay thường bị rách ở cơ trên gai (Hình ảnh minh hoạ)
Có nhiều nguyên nhân gây viêm hay đứt chóp xoay như:
- Yếu tố cơ học, chấn thương
- Yếu tố mạch máu
- Bệnh lý thoái hóa chóp xoay
Khi có viêm hay rách chóp xoay, người bệnh thường đau nhiều ở vùng vai: Cơn đau thường lan lên cổ, lan xuống cánh tay. Đau nhiều vào ban đêm, đau khi nằm nghiêng bên vai đau. Ngoài ra thì vận động vai tay khó khăn, người bệnh sẽ không thể giơ tay lên đầu được, hoặc khi giơ lên được thì hạ xuống sẽ bị rơi tay đột ngột. Nếu viêm hay rách chóp xoay không được xử lý kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.
Các phương pháp điều trị rách chóp xoay:
1. Điều trị bảo tồn: Thường sử dụng cho người bệnh bị viêm, rách một phần (rách không hoàn toàn) bó xoay, giúp giảm đau và cải thiện chức năng của khớp vai. Các phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm:
- Nghỉ ngơi: người bệnh nên nghỉ ngơi và hạn chế các hoạt động, đặc biệt là các động tác giơ tay cao quá đầu
- Đeo đai hỗ trợ vận động khớp vai một thời gian
- Thay đổi công việc: tránh các công việc sử dụng nhiều vai tay gây đau cho khớp vai.
- Các thuốc giảm đau chống viêm theo đơn của bác sĩ: giúp giảm đau, giảm phù nề khớp vai.
- Phục hồi chức năng: Các phương thức điều trị vật lý trị liệu - PHCN giúp giảm đau, giảm sưng nề, giảm co thắt cơ, tăng cường tuần hoàn nuôi dưỡng, đẩy nhanh tiến trình phục hồi cơ bị tổn thương. Bên cạnh đó các bài tập chuyên biệt sẽ giúp khôi phục tầm vận động và tăng cường sức mạnh cho cơ vùng khớp vai.
2. Phẫu thuật: Nếu người bệnh rách đứt hoàn toàn cơ chóp xoay hay đau kéo dài và không đáp ứng với các phương pháp điều trị không phẫu thuật thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phẫu thuật. Người bệnh sau khi được phẫu thuật thì cần được điều trị Phục hồi chức năng kịp thời và đúng cách, để tránh các di chứng và giúp khớp vai phục hồi được các cử động.

Người bệnh cần tập theo sự hướng dẫn của các chuyên gia Phục hồi chức năng (Hình ảnh minh hoạ)
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật chóp xoay khớp vai:
1. Nguyên tắc Phục hồi chức năng và điều trị: Can thiệp sớm và theo từng giai đoạn
2. Các di chứng thường gặp nếu không được điều trị PHCN:
Người bệnh sẽ không thể trở lại hoạt động ban đầu của khớp vai nếu như không can thiệp PHCN đúng cách, các di chứng có thể kể đến như:
- Giảm hoặc mất chức năng vận động
- Đau dữ dội, đau dai dẳng kéo dài
- Teo cơ, biến dạng khớp (Tham khảo: https://vsh.org.vn/canh-bao-di-chung-cung-khop-teo-yeu-co-do-bat-dong-lau-ngay.htm)
- Sưng, phù nề đoạn chi thể

Hình ảnh người bệnh bị cứng khớp vai phải, không thể đưa tay ra sau lưng như bên trái
3. Các phương pháp và giai đoạn can thiệp PHCN:
* Giai đoạn I: tuần 1 sau phẫu thuật
- Mục tiêu: Kiểm soát sưng nề và giảm đau; Bảo vệ và tránh làm hỏng các mũi khâu trong khớp; Bắt đầu vận động nhẹ nhàng vai và tay
- Kỹ thuật PHCN: Giúp tăng cường tuần hoàn nuôi dưỡng vết thương, tránh teo cơ, cứng khớp do bất động lâu ngày bằng các phương pháp như:
+ Nhiệt lạnh
+ Điện xung, điện phân
+ Treo tay với đai treo
+ Vận động: các khớp xa như khuỷu tay, cổ tay, bàn ngón tay, tập gồng cơ tĩnh toàn bộ tay phẫu thuật
* Giai đoạn II: Từ tuần 2 đến tuần 5 sau phẫu thuật
- Nhiệt trị liệu, điện trị liệu
- Tiếp tục treo tay với đai đến 4 tuần
- Bắt đầu tập chủ động khớp vai với 1 số cử động; tập thụ động lấy lại tầm vận động khớp với cử động tăng dần
- Tập mạnh cơ
* Giai đoạn III: Từ tuần 5 đến tuần 8 sau phẫu thuật
- Mục tiêu: Bảo vệ khớp vai, tránh các tác động quá mức cho dây chằng; tăng dần biên độ vận động khớp vai; Bắt đầu các bài tập thể lực
- Kỹ thuật PHCN:
+ Nhiệt trị liệu, điện trị liệu
+ Tiếp tục các bài tập chủ động khớp vai để lấy lại tầm vận động khớp
+ Tập tăng tầm vận động khớp với biên độ tăng dần
+ Tập mạnh cơ bằng bài tập đề kháng
+ Tập dụng cụ: chun, quả tạ nhỏ (0,5 – 1 Kg)
+ Tập hoạt động trị liệu, các sinh hoạt hàng ngày

Người bệnh sau phẫu thuật cơ chóp xoay điều trị tại khoa PHCN Bệnh viện
* Giai đoạn IV: từ tuần 8 đến tuần 12 sau phẫu thuật
- Giữ an toàn cho khớp vai sau mổ
- Phục hồi lại tất cả các biên độ vận động của khớp vai
- Tiếp tục tập luyện sức mạnh cơ
- Các bài tập như giai đoạn III với cường độ tăng dần, tránh làm đau quá mức khớp vai khi vận động
Lưu ý: Người bệnh cần được thăm khám, hướng dẫn điều trị của các bác sĩ ngoại khoa và các chuyên gia Phục hồi chức năng, không tự ý tập luyện khi chưa được hướng dẫn để tránh các biến chứng xảy ra.
Người bệnh có nhu cầu cần tư vấn và điều trị PHCN, vui lòng liên hệ: Khoa Phục hồi chức năng, tầng 1 toà nhà DIII, Số điện thoại: 0203.6273642
CN. Trần Khánh Linh - Khoa Phục hồi chức năng
***Tài liệu tham khảo: “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuyên ngành Phục hồi chức năng” – NXB Y học