Protein phản ứng C hay C-reactive protein (CRP) là chất chỉ điểm (marker) của giai đoạn cấp. Định lượng nồng độ CRP trong máu giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh lý liên quan đến quá trình viêm nhiễm và tổn thương mô.
Xét nghiệm CRP là gì?
CRP là thành phần không thể thiếu trong phản ứng của hệ miễn dịch đối với các tổn thương hay nhiễm trùng. Bình thường sẽ không xuất hiện protein này trong máu hoặc xuất hiện với nồng độ rất thấp, và khi xuất hiện tình trạng viêm cấp cùng với sự phá hủy mô trong cơ thể sẽ kích thích sự sản xuất protein này của gan và nồng độ protein C trong huyết thanh sẽ tăng nhanh, do đó CRP được biết đến là chất chỉ điểm cho phản ứng viêm trong cơ thể.
Khi nào cần xét nghiệm định lượng CRP trong máu?
Thông thường, kể từ khi có tình trạng viêm, chỉ số CRP sẽ tăng điển hình trong vòng 6 giờ, đạt đỉnh vào khoảng 48 giờ, thời gian bán huỷ tương đối ngắn khoảng 19 giờ (sau khi quá trình viêm giảm), do vậy có thể xác định tình trạng viêm sớm hơn với xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu. Giá trị của CRP cũng không chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi globulin máu và hematocrit nên có giá trị chẩn đoán khi nồng độ globulin hoặc hematocrit máu thay đổi.
Với bệnh nhân điều trị nhiễm trùng hay ung thư, xét nghiệm CRP đặc biệt quan trọng để đánh giá hiệu quả điều trị. Nồng độ CRP sẽ tăng lên nhanh, giảm xuống bình thường theo đúng chu kỳ nếu bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt.
CRP có ý nghĩa quan trọng trong theo dõi kết quả điều trị cũng như trong biến chứng nhiễm khuẩn. CRP tăng vào giờ thứ 4-6 sau phẫu thuật, đạt đỉnh vào khoảng ngày 2-3, giảm dần sau đó. Trong trường hợp có biến chứng sau mổ, nồng độ CRP có khuynh hướng cao hơn và kéo dài hơn (so với không biến chứng).
Quá trình viêm đóng vai trò chính trong hình thành mảng xơ vữa, cơ chế chính trong sinh bệnh học của bệnh mạch vành. CRP là marker đáp ứng các kích thích bao gồm xơ vữa, tổn thương, thiếu máu và hoại tử, được sử dụng để đánh giá nguy cơ của bệnh mạch vành. So với các yếu tố nguy cơ truyền thống, CRP-hs là yếu tố tiên lượng quan trọng, kết hợp với các yếu tố khác như Cholesterol, LDL-C, Triglycerid, Glucose… làm tăng khả năng tiên lượng bệnh.
Cơ chế gây xơ vữa động mạch của CRP và các lipid máu (Hình ảnh minh họa)
Theo Hiệp hội Tim mạch (The American Heart Association – AHA) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh của Mỹ (US Centers for Disease Control and Prevention - CDC), phân nhóm nguy cơ bệnh mạch vành ở người bình thường theo nồng độ CRP-hs như sau:
+ CRP-hs < 1.0 mg/l: Nguy cơ thấp.
+ CRP-hs từ 1.0-3.0 mg/l: Nguy cơ trung bình.
+ CRP-hs >3.0 mg/l: Nguy cơ cao nhất.
Những người có chỉ số CRP-hs cao hơn có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch, và những người có giá trị thấp hơn có nguy cơ ít hơn. Những bệnh nhân có kết quả CRP-hs ở giá trị bình thường cao có nguy cơ bị đau tim gấp 1.5 đến 4 lần so với những người có chỉ số CRP-hs ở mức thấp nhất trong giới hạn cho phép.
Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả định lượng CRP trong máu?