Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát sớm các bệnh lý là rất cần thiết, đặc biệt là các bệnh về tuyến giáp. Vì các bệnh lý tuyến giáp hay ung thư tuyến giáp không có triệu chứng rõ ràng nên thường được phát hiện vào giai đoạn khá muộn, khiến quá trình điều trị gặp nhiều khăn. Thực hiện tầm soát ung thư tuyến giáp, trong đó có siêu âm tuyến giáp là cách phòng tránh và kiểm soát bệnh đơn giản và hiệu quả.
Hiện Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí được trang bị 5 đầu máy siêu âm tại các vị trí: Phòng khám thường áp dụng Bảo hiểm y tế, Phòng khám yêu cầu và Phòng điều trị nội trú. Các máy siêu âm có độ phân giải cao cho hình ảnh siêu âm rõ nét và được các bác sỹ khoa chẩn đoán hình ảnh được đào tạo chuyên sâu vận hành, đáp ứng tốt nhu cầu khám phát hiện các bệnh lý tuyến giáp cho người bệnh.
1. Tuyến giáp là gì?
- Là tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể có chức năng sản xuất và giải phóng hormone giáp trạng vào máu.
- Tuyến giáp nằm ở vùng cổ trước, hình chữ H, gồm hai thùy phải và trái nối với nhau bởi eo tuyến. Mỗi thùy tuyến có hình tháp gồm 3 mặt là mặt trước - ngoài, mặt trong và mặt sau, nằm dọc hai bên thanh quản, khí quản, thùy phải thường lớn hơn thùy trái. Eo tuyến giáp mỏng nối hai thùy với nhau và nằm trước khí quản. Toàn bộ tuyến giáp nằm ở vùng dưới xương móng.
Tuyến giáp nằm ở vùng cổ trước, hình chữ H, gồm hai thùy phải và trái nối với nhau bởi eo tuyến
(Hình ảnh minh họa)
2. Siêu âm tuyến giáp là gì?
Là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bằng cách sử dụng sóng siêu âm đầu dò tần số cao. Là việc các bác sĩ sử dụng đầu dò của máy siêu âm đặt ở vùng cổ, sau đó máy siêu âm sẽ cung cấp hình ảnh chi tiết về đặc điểm, tính chất của tuyến giáp và các cấu trúc lân cận vùng cổ.
3. Lợi ích của việc siêu âm tuyến giáp
- Là kỹ thuật không sử dụng kim tiêm, không gây đau đớn.
- Dễ sử dụng và ít tốn kém hơn so với phương pháp khác.
- Siêu âm cho ra hình ảnh thực, rõ nét về mô mềm, an toàn, không có bức xạ ion hóa.
4. Vai trò của siêu âm tuyến giáp
- Để chẩn đoán xác định.
- Để chẩn đoán phân biệt.
- Để tầm soát, khám sức khỏe định kỳ.
- Để hướng dẫn thủ thuật chọc tế bào, hút dịch…
- Theo dõi quá trình sau mổ tuyến giáp, sau điều trị, sau đốt sống cao tần…
5. Khi nào cần siêu âm tuyến giáp?
- Siêu âm tuyến giáp nói riêng và vùng cổ nói chung được chỉ định khi khám lâm sàng vùng cổ có nghi ngờ khối u vùng cổ, bướu giáp, hoặc khi có bất thường các chỉ số xét nghiệm về tuyến giáp.
- Xác định vị trí khối u vùng cổ: trong hay ngoài tuyến giáp.
- Phân loại, xác định các thành phần trong khối: dịch, đặc, hỗn hợp…
- Đánh giá cấu trúc lân cận của tuyến giáp.
- Xác định nguyên nhân tại tuyến giáp trong hội chứng cường giáp, nhược giáp.
- Đánh giá biến chứng sau phẫu thuật vùng cổ: áp xe hóa, phù nề…
- Theo dõi bướu giáp đơn nhân, đa nhân.
- Hướng dẫn thủ thuật: tiêm, chọc hút, sinh thiết.
6. Những ai nên tầm soát tuyến giáp?
- Phụ nữ trên 30 tuổi cần đi tầm soát ung thư theo định kỳ đầy đủ và thường xuyên.
- Nữ giới có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao khi ngoài 40 tuổi.
- Người có chế độ ăn uống thiếu i-ốt.
- Những người bị phơi nhiễm các chất phóng xạ, chất độc hóa học ở mức cao.
- Người có tiền sử hoặc người thân trong gia đình có tiền sử với một số căn bệnh về tuyến giáp như ung thư biểu mô tuyến giáp,...
- Có dấu hiệu nghi ngờ bản thân mắc ung thư tuyến giáp như: hạch ở cổ, u ở cổ, khó nuốt, khó thở, đau họng, đau cổ, có khối u ở trước cổ hoặc tuyến giáp,...
- Từng phải chiếu/ xạ và đầu hoặc cổ khi còn nhỏ hoặc thuộc lứa tuổi thanh - thiếu niên.
- Khàn tiếng, đau họng, giọng nói bị thay đổi, gặp khó khăn trong việc giao tiếp.
Siêu âm tuyến giáp mang lại nhiều lợi ích, giúp chẩn đoán sớm các bệnh lý tuyến giáp nói riêng và vùng cổ nói chung. Các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ nêu trên cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ, trong đó có siêu âm tuyến giáp để theo dõi, quản lý hiệu quả bệnh lý này.