Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Theo báo cáo của Liên đoàn đái tháo đường thế giới, năm 2021, trên thế giới có 537 triệu người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường tương đương với 1 trong 10 người trưởng thành đang sống với bệnh đái tháo đường. Bên cạnh đó có tới 212 triệu người mắc đái tháo đường (gần 50%) vẫn chưa được chẩn đoán.
Các triệu chứng điển hình là khát nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều… Để phát hiện sớm ĐTĐ, hạn chế biến chứng của bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện ĐTĐ hoặc tiền ĐTĐ ở người lớn không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng.
* Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:
- Có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị ĐTĐ
- Người có tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch
- Người mắc Tăng huyết áp (HA ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị THA)
- Có chỉ số HDL cholesterol < 35 mg/dL (0,9mmol/L) và/hoặc triglyceride >250mg/dL (2,8mmol/L)
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
- Những người ít hoạt động thể lực
- Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin (như dấu gai đen: acanthosis nigricans).
* Phụ nữ đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất mỗi 3 năm.
* Tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên
* Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1- 3 năm sau hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ.
Khi có các triệu chứng tăng đường huyết hoặc có yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường, chúng ta cần đến cơ sở y tế để được khám, đánh giá tầm soát phát hiện sớm đái tháo đường để phát hiện sớm và dự phòng biến chứng do đái tháo đường gây ra.
Khoa Nội tiết