Ngày nay, số trường hợp mắc bệnh suy thận đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Ngoài việc uống thuốc, tập luyện, thì chế độ dinh dưỡng cũng là vấn đề mà người bị suy thận cần đặc biệt lưu ý.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học giúp duy trì sức khỏe của thận, hoạt động thải lọc của thận được điều hòa, hỗ trợ sản xuất ra các hormon khác cho cơ thể hoạt động tốt. Từ đó, làm chậm sự tiến triển của bệnh thận, kéo dài thời gian không phải chạy thận nhân tạo.

Hãy cùng nghe lời khuyên của các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí:
1.Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Người bệnh suy thận nên lựa chọn thực phẩm lành mạnh và kiểm soát khẩu phần ăn hàng ngày. Nên ăn chậm, nhai kỹ để dạ dày có thể tiêu hoá tốt, ngược lại nếu ăn quá nhanh, bạn có thể ăn nhiều hơn mức cần thiết, dẫn đến dư thừa năng lượng khiến thận phải hoạt động nhiều hơn.
Người suy thận không nên ăn quá nhiều thức ăn giàu canxi, đạm như: nghêu, sò, tôm, cua... Đặc biệt, là không ăn mặn vì nó sẽ dẫn tới cơ thể giữ nước, làm tăng gánh nặng cho thận. Người bệnh thận chỉ nên ăn từ 2-4g muối/ ngày và giảm lượng đạm tiêu thụ tùy thuộc vào mức độ suy thận.
Bên cạnh đó, uống nhiều nước là giải pháp hiệu quả giúp thận lọc chất độc, cặn bã ra ngoài. Nguyên tắc chung là nước phải đủ cho cơ thể (mỗi người trung bình cần 2,5 lít nước/ngày). Nếu nước tiểu ít, phải uống nhiều nước. Tuy nhiên nếu ở giai đoạn suy thận nặng thì cần hạn chế uống nước để giảm áp lực cho thận.
2. Một số ví dụ cụ thể về chế độ dinh dưỡng của người trưởng thành bị suy thận như sau:
a. Suy thận cấp, giai đoạn trước lọc thận:
- Về năng lượng: 35kcal/kg cân nặng/ngày hoặc từ 1.800- 1.900 kcal/ngày. Lượng glucid là 310 – 350 gam/ngày.
- Về protein dưới 0,6 g/kg cân nặng/ngày hay lượng protein dưới 33 g/ngày. Tỷ lệ protein động vật/protein tổng số trên 60%.
- Về lipid: năng lượng do lipid cung cấp đạt 20-25% tổng năng lượng/ngày hay lượng lipid là 40-50 g/ngày. Trong đó acid béo chưa no 1 nối đôi chiếm 1/3, nhiều nối đôi 1/3 và acid béo no chiếm 1/3 tổng số lượng lipid.
- Đảm bảo cân bằng nước và điện giải: Ăn nhạt tương đối lượng Natri dưới 2000mg/ngày. Hạn chế các thực phẩm giàu kali, lượng kali là 1000 mg/ngày. Hạn chế các thực phẩm giàu phosphat, lượng phosphat là 600 mg/ngày.
- Hạn chế nước ăn và uống khi có chỉ định của bác sỹ, nhưng lượng nước trong ngày cung cấp cho cơ thể được tính như sau: V nước = V nước tiểu + V dịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy) + 300 – 500 ml (tùy theo mùa).
- Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất. Ăn từ 4 - 6 bữa/ngày.
b. Suy thận mạn giai đoạn 1-2:
- Về năng lượng: 35 kcal/kg cân nặng/ngày hoặc từ 1.800 – 1.900 kcal/ngày. Lượng glucid là 313 – 336 gram/ngày.
- Về protein từ 0,6 – 0,8 g/kg cân nặng/ngày hay lượng protein dưới 40-44 g/ngày. Tỷ lệ protein động vật/protein tổng số ≥ 60%.
- Về lipid: năng lượng do lipid cung cấp đạt 20-25% tổng năng lượng/ngày hay lượng lipid là 40-50 g/ngày.
- Đảm bảo cân bằng nước và điện giải: Ăn nhạt với lượng Natri dưới 2.000mg/ngày. Hạn chế hoặc sử dụng vừa phải các thực phẩm giàu kali
- Hạn chế nước ăn và uống khi có chỉ định của bác sỹ, nhưng lượng nước trong ngày cung cấp cho cơ thể được tính như sau: V nước = V nước tiểu + V dịch mất bất thường (sốt, nôn, ỉa chảy) + 300 – 500 ml (tùy theo mùa).
- Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất. Ăn 4 bữa/ngày.
3. Chế độ ăn người bệnh cần lưu ý như sau:
- Thức ăn nên hạn chế: Muối (ăn nhạt nếu có phù, mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 2 thìa nhỏ nước mắm); ăn hạn chế đạm thực vật như đậu đỗ, lạc, vừng, tránh ăn nội tạng động vật; đồ nướng, rán, thực phẩm giàu kali (cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, lạc, hạt điều, dẻ, socola); thực phẩm giàu phốt-pho (pho-mat, cua, lòng đỏ trứng, thịt thú rừng, đậu đỗ…).
- Thức ăn được khuyến khích: Chất bột (khoai lang, khoai sọ, miến dong); chất đường (đường, mía, mật ong, hoa quả ngọt); chất béo (có thể ăn khoảng 30 - 40g/ngày, ưu tiên chất béo thực vật); bổ sung canxi (sữa); bổ sung vitamin (nhóm B, C, acid folic…).
- Nước uống: Lượng nước uống hàng ngày nên sử dụng 300 - 500ml/ ngày (tùy theo mùa) + lượng nước tiểu hàng ngày + lượng dịch mất bất thường, hạn chế đồ uống có ga, cồn (bia, rượu...).
BS Đinh Thị Thắm