Trong quá trình mang thai có tới 50% phụ nữ bị phù cổ chân và cẳng chân, khoảng 20-30% bị giãn tĩnh mạch. Giãn tĩnh mạch nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể có các biến chứng như xuất huyết, viêm tĩnh mạch và hình thành huyết khối tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu. Trong khi đó việc điều trị lại rất khó khăn bởi hầu hết các thuốc có chống chỉ định trong thời kỳ mang thai. Do vậy cách tốt nhất là cần hạn chế nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ mang thai.

Hình ảnh minh họa
Các nguyên nhân chủ yếu gây giãn tĩnh mạch bao gồm:
- Hiện tượng giảm trương lực tĩnh mạch: Xảy ra do giảm trương lực co mạch hoặc độ đàn hồi của mạch máu do hormone sinh dục nữ tăng cao trong thời kỳ thai nghén.
- Tăng thể tích máu tới 20-30% trong suốt quá trình mang thai.
- Tăng áp lực tĩnh mạch gấp 2-3 lần do tử cung chèn ép vào tĩnh mạch chủ dưới khi nằm ngửa ở thời điểm 3 tháng cuối.
- Các van tĩnh mạch bị hở do tĩnh mạch căng ra và trở nên suy cơ năng. Các van tĩnh mạch bị hở này sẽ trở về bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên một số người vẫn không thể hồi phục và gây ra giãn tĩnh mạch sau sinh.
- Hiện tượng tăng đông sinh lý trong quá trình mang thai. Hiện tượng tăng đông xuất hiện vào cuối tháng thứ 2 và kéo dài suốt thời kỳ mang thai, làm tăng nguy cơ huyết khối trong thai kỳ và khi sinh.
Các biểu hiện của giãn tĩnh mạch trong thai kỳ:
- Có tới 50% phụ nữ mang thai bị phù cổ chân và cẳng chân.
- 20% phụ nữ mang thai bị giãn tĩnh mạch âm hộ và âm đạo (thường chỉ bị một bên).
- 0,14-1% phụ nữ mang thai bị huyết khối tĩnh mạch sâu, chủ yếu gặp ở cuối thời kỳ mang thai và sau sinh. Rất hiếm gặp nhồi máu phổi, tuy nhiên đây là nguyên nhân tử vong thường gặp nhất lúc mang thai.
Phòng ngừa giãn tĩnh mạch trong thời kỳ mang thai cần:
- Hạn chế đứng hoặc ngồi lâu.
- Tập cử động khớp cổ chân và chuyển trọng lượng đến các ngón chân.
- Kê chân cao 15-20 cm khi nghỉ và lúc ngủ.
- Vận động, đi bộ nhẹ nhàng. Nằm nghiêng sang bên tĩnh mạch không bị giãn.
- Đi tất áp lực ngay khi bị giãn tĩnh mạch và tiếp tục ít nhất 4 tuần sau khi sinh.