Các nghiên cứu tại Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics- AAP) khuyên nên cho con bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu sau khi sinh.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất chứa nhiều carbonhydrate, chất béo, protein cần cho dinh dưỡng của trẻ. Sữa mẹ cũng cung cấp các enzym, vitamin, khoáng chất và hormon có lợi cho trẻ. Mặt khác sữa mẹ còn chứa các kháng thể nhằm bảo vệ trẻ trước bệnh tật.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhât cho trẻ nhỏ
Tuy nhiên, trong thời kì cho con bú, người mẹ có thể phải dùng thuốc, các phương pháp điều trị ngắn hạn hoặc dài hạn do mắc các bệnh cấp tính hay mạn tính. Trẻ bú sữa mẹ sẽ vô tình dùng thuốc do thuốc thải trừ qua sữa, điều này có thể gây hại cho trẻ bởi khi trẻ mới sinh, chức năng của các cơ quan chuyển hóa và thải trừ thuốc như gan, thận chưa hoàn thiện.
Một số giải pháp được đưa ra nên ngừng cho con bú hoặc tránh sử dụng thuốc do lo ngại về tác dụng bất lợi có thể xảy ra đối với trẻ. Khi sử dụng thuốc đối với phụ nữ cho con bú, các bác sĩ sẽ đánh giá lợi ích và nguy cơ khi dùng thuốc giúp đạt được mục tiêu điều trị bệnh cho mẹ và hạn chế tối đa ảnh hưởng của thuốc lên trẻ.
Có nhiều yếu tố cần cân nhắc như:
- Ảnh hưởng của thuốc lên sự tiết sữa mẹ;
- Lượng thuốc thải trừ qua sữa;
- Mức độ hấp thu qua đường uống của trẻ, tác động có hại có thể xảy ra đối với trẻ;
- Tuổi của trẻ cũng là một yếu tố quan trọng do các biến cố bất lợi liên quan đến dùng thuốc qua sữa mẹ xảy ra phần lớn ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, hiếm khi xảy ra ở trẻ trên 6 tháng tuổi.
Các thuốc ảnh hưởng đến khả năng bài tiết sữa
Việc bài tiết sữa được điều hòa bằng hormon Prolactin, sản xuất bởi thùy trước tuyến yên. Bài tiết sữa tăng hay giảm phụ thuộc vào nồng độ Prolactin trong máu. Do đó cần lưu ý khi sử dụng các thuốc làm thay đổi nồng độ Prolactin. Một số thuốc làm giảm tiết sữa điển hình là Estrogen. Mặc dù Estrogen vào sữa rất ít nhưng lại ức chế thụ thể Prolactin ở giai đoạn sớm làm giảm bài tiết sữa. Vì vậy phụ nữ cho con bú không nên dùng thuốc tránh thai chứa Estrogen. Ngoài ra một số thuốc kìm hãm bài tiết sữa như thuốc có hoạt tính Dopamin (nhóm dẫn chất Ergotamin: Bromocriptin, Cabergolin, Lisurid, Methylergometrin, Oergilid, Quinadolid), nhóm thuốc lợi tiểu Thiazid và các chất đối kháng Serotonin (ví dụ Cyproheptadin), Prostagladin, Amphetamin, Rượu, Opiod. Bên cạnh đó có một số thuốc Metoclopramid và Domperidon được sử dụng trong lâm sàng với tác dụng tăng bài tiết sữa, có thể được chỉ định cho những bà mẹ của trẻ đẻ thiếu tháng.
Tuy nhiên, trong thời kì cho con bú, nếu người mẹ phải dùng thuốc điều trị bệnh thì cần được bác sĩ đánh giá lợi ích và nguy cơ của thuốc ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ
Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo các bà mẹ nên tránh dùng một số loại thuốc
AAP khuyến cáo mạnh mẽ rằng các bà mẹ cho con bú nên hạn chế dùng thuốc hoặc chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Những loại thuốc này bao gồm Aspirin, thuốc hạ huyết áp và thuốc chống động kinh. Việc sử dụng các loại thuốc này phải tuân thủ theo chỉ định của các bác sĩ. Các loại thuốc khác không nên dùng bao gồm các hóa chất trị liệu và thuốc gây ức chế miễn dịch ở trẻ sơ sinh. Người mẹ sử dụng Amphetamin, Cocain, Heroin, Cần sa, hoặc thuốc gây mê trong khi cho con bú có thể gây hại cho trẻ như biểu hiện trẻ dễ cáu kỉnh, run, động kinh, nôn mửa, chán bú mẹ và ảnh hưởng giấc ngủ của trẻ. Người mẹ cũng nên tránh việc sử dụng rượu, hút thuốc lá, và dùng các sản phẩm chứa cafein.
Ngoài ra một số thuốc có thể gây ra thay đổi mùi vị của sữa, làm cho trẻ chán bú hơn, ví dụ Metronidazol có thể gây vị đắng cho sữa mẹ, do đó một số chuyên gia cho rằng nên ngừng cho trẻ bú mẹ từ 12-24 giờ sau khi dùng Metronidazol, các trường hợp dùng Metronidazol tại chỗ (bôi da) hay viên đặt âm đạo hầu như không ảnh hưởng đến trẻ.
Các trường hợp người mẹ nên tạm thời ngưng cho con bú
- Mẹ nhiễm virus HIV và đang sử dụng các thuốc Antiretroviral (Antiretroviral là loại thuốc được sử dụng để kéo dài cuộc sống của những người bị lây nhiễm HIV, đồng thời cũng có hiệu quả cao trong việc hạn chế sự lây truyền của loại virus này).
- Mẹ mắc bệnh lao và không được điều trị.
- Mẹ nhiễm virus bạch cầu T tuyp 1 và tuyp 2 (T-cell lymphotropic virus).
- Mẹ sử dụng hay phụ thuộc vào các thuốc gây nghiện.
- Mẹ sử dụng hóa chất điều trị ung thư, đang điều trị bằng xạ trị.
- Mẹ sử dụng thuốc phóng xạ, thuốc cản quang chứa Iod, sử dụng phối hợp một vài thuốc chống động kinh và thuốc hướng thần.
Trong các trường hợp này, việc ngừng cho trẻ bú là điều cần thiết. Thay vào đó, có thể cho trẻ dùng sữa ngoài và vắt bỏ sữa mẹ thường xuyên.
Trong các trường hợp người mẹ phải tạm ngừng cho con bú thì nên cho trẻ dùng sữa ngoài và vắt bỏ sữa mẹ thường xuyên
Các nguyên tắc khi sử dụng thuốc đối với phụ nữ cho con bú
1. Không tự ý dùng thuốc kể cả những thuốc không cần kê đơn. Hạn chế tối đa việc dùng thuốc, khi dùng thuốc phải được sự đồng ý của Bác sĩ, Dược sĩ tư vấn sau khi cân nhắc lợi ích/ nguy cơ cho cả mẹ và trẻ.
2. Các Bác sĩ, Dược sĩ cần tìm hiểu và cập nhật thường xuyên thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc, đặc biệt lưu ý những thuốc được phép sử dụng trên phụ nữ cho con bú. Ưu tiên sử dụng dạng thuốc tác dụng tại chỗ như dạng bôi, dạng xịt, dạng đặt. Nhìn chung, thuốc an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì cũng an toàn cho phụ nữ cho con bú. Các thuốc có thể sử dụng cho phụ nữ có thai chưa hẳn an toàn đối với phụ nữ cho con bú.
3. Chọn thuốc an toàn cho trẻ, thuốc có tỉ lệ nồng độ sữa/ huyết tương thấp, thải trừ nhanh. Tránh dùng thuốc liều cao, nên dùng trong thời gian ngắn nhất và ngừng ngay khi đạt hiệu quả.
4. Thời điểm dùng thuốc nên chọn ngay sau khi cho trẻ bú xong hoặc trước khi trẻ ngủ giấc dài sau khi bú. Lưu ý thời gian bán thải của thuốc, tránh cho trẻ bú sữa mẹ khi nồng độ thuốc trong máu đạt tối đa, tính toán thời gian mỗi lần uống thuốc và khoảng thời gian trẻ bú mẹ nhằm hạn chế tối đa lượng thuốc vào trẻ.
5. Nếu không được phép cho trẻ bú mẹ, cần vắt sữa bỏ đi và dùng sữa ngoài thay thế. Sau khi ngừng thuốc cần chờ thêm thời gian thích hợp (4 lần t1/2 ) rồi mới cho trẻ bú lại.
Nguồn tham khảo: Us. New