Loãng xương là tình trạng giảm khối lượng của xương, giảm tỷ trọng xương, hậu quả có thể dẫn tới gãy xương. Đây là bệnh thường gặp, đặc biệt là ở phụ nữ tuổi trung niên và người già. Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng. Thường người bệnh chỉ cảm thấy đau mỏi người không rõ ràng, giảm dần chiều cao, gù vẹo cột sống. Đây là những biểu hiện chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi có những biểu hiện gãy xương.
Hình minh họa
Các nguyên nhân chính của bệnh loãng xương bao gồm:
- Lối sống sinh hoạt không hợp lý, ít vận động
- Thường xuyên mang vác các vật nặng, lao động vất vả
- Chế độ dinh dưỡng thiếu canxi
- Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh loãng xương nhiều hơn nam giới
- Lượng canxi cho quá trình tạo xương lúc trẻ không được bổ sung đầy đủ, dẫn đến việc khi về già, cùng với sự lão hóa, quá trình tạo xương giảm xuống và quá trình hủy xương diễn ra nhanh, mạnh khiến cho mật độ xương giảm sút, làm cho xương giòn và yếu, giảm sức chịu lực và dễ gãy hơn.
Khi người bệnh được chẩn đoán loãng xương sẽ được các bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Kết hợp với các phương pháp điều trị nội khoa là phương pháp điều trị phục hồi chức năng giúp tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Mục đích của Phục hồi chức năng cho người bệnh loãng xương:
- Phòng loãng xương tiến triển
- Phòng các biến chứng do loãng xương gây nên
- Giảm đau
- Giãn cơ
- Phục hồi chức năng di chuyển, sinh hoạt
Các phương pháp Phục hồi chức năng (PHCN) cho người bệnh loãng xương:
Điều trị điện từ trường cho bệnh nhân tại khoa PHCN
Điện từ trường: là phương pháp điện trị liệu đặc biệt có hiệu quả cho người bệnh vì điện từ trường có tác dụng kích thích phát triển cal xương và hạn chế thưa xương.
Vận động trị liệu:
+ Đợt cấp: Người bệnh cần được nghỉ ngơi và dùng các phương pháp giảm đau, nhưng tránh bất động hoàn toàn sẽ càng làm nặng thêm tình trạng loãng xương. Điều trị vận động thụ động và chủ động các chi để duy trì tầm vận động khớp, tránh teo yếu cơ, đề phòng các biến chứng nằm lâu. Mặc áo nẹp khi người bệnh di chuyển trong thời gian đầu.
+ Hết đợt cấp hướng dẫn người bệnh vận động nhẹ nhàng cột sống, tập hít thở, tập cơ lưng, cơ bụng,…
Các phương pháp điện trị liệu khác: như điện xung, tử ngoại…
Các phương pháp nhiệt trị liệu: như hồng ngoại, parafin…