Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn và hạn chế, việc chuẩn bị tủ thuốc gia đình là vô cùng cần thiết và hữu ích giúp sơ cứu ban đầu, giảm thiểu được rủi ro không đáng có, đặc biệt những gia đình có người già và trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh lý thông thường như ho, cảm cúm, tiêu chảy…
Vậy tủ thuốc gia đình cần những gì?
1. Thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc ho
Thời tiết thay đổi, đặc biệt thời điểm giao mùa rất dễ dẫn đến tình trạng cảm cúm, sốt, ho… Đây là bệnh thường gặp, dễ lây nhiễm trong gia đình, vì vậy việc chuẩn bị sẵn các loại thuốc trên trong tủ thuốc gia đình là rất cần thiết.
Nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt gồm một số thuốc như Paracetamol, Aspirin, Ibuprofen… với các tên quen thuộc như Hapacol, Efferalgan, Tiffy, Ameflu, Brufen… Mỗi loại thuốc nên chuẩn bị một số dạng dùng phù hợp với các thành viên trong gia đình. Ví dụ dạng viên dành cho người lớn, dạng bột, siro hay dạng viên đặt hậu môn dành cho trẻ nhỏ.
Lưu ý: Các thuốc hạ sốt chỉ uống khi sốt trên 38 độ C. Liều dùng tối đa không quá 4g/ngày. Đối với trẻ em liều tính theo cân nặng và tuổi, mỗi lần cách 4-6 giờ. Có thể sử dụng Paracetamol dạng viên đặt hậu môn cho trẻ, liều khuyến cáo từ 10-20 mg/kg/liều, cách 4-6 giờ.
Nhóm thuốc ho gồm Dextromethorphan, Terpin - codein… hay các loại thuốc ho có nguồn gốc từ dược liệu như Prospan, Eugica, Bổ phế, thuốc ho PH… viên ngậm sát khuẩn họng Dorithricin, Mekotricin, Strepsils… thuốc tiêu đờm, giảm độ quánh của đờm như N-acetycystein, Ambroxol …
Bạn cần xem kỹ liều dùng các thuốc trước khi uống hoặc hỏi ý kiến bác sỹ, dược sỹ.

2. Nhóm thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa
Trong việc ăn uống hàng ngày không thể tránh khỏi những lúc chúng ta ăn phải những thực phẩm gây đầy bụng, khó tiêu hay gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy…
Thuốc điều trị tiêu chảy như Berberin, Smecta… thuốc bù nước điện giải như Oresol pha với nước đun sôi để nguội uống thay nước hàng ngày (dung dịch sau pha không để quá 24 giờ). Thuốc điều trị táo bón như Sorbitol, Forlax, Bisacodyl, chất xơ hòa tan …

Thuốc điều trị chứng đầy hơi, khó tiêu như Simethicon, Domperidon … Nếu bạn hay người thân có tiền sử viêm loét dạ dày, thường xuyên ợ nóng, ợ chua thì thuốc kháng acid như Gastrofulgit cũng nên được bổ sung vào tủ thuốc gia đình.
Các loại men tiêu hóa như Enterogemina, Lacbio, Probiotic, Lactomin, Normagut… giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, kích thích tiêu hóa giúp ăn ngon, tăng cường đề kháng, hỗ trợ điều trị viêm đại tràng…
3. Thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin thường dùng điều trị trong các trường hợp ngứa, phát ban, dị ứng do nhiều nguyên nhân. Gồm các thuốc uống như Chlorpheniramin, Loratadin, Fexofenadin… dùng giảm ngứa, đỏ, phát ban, ngứa mắt, ngứa mũi họng, viêm mũi dị ứng.

4. Thuốc dùng ngoài da:
Tủ thuốc gia đình của bạn cũng cần có một số dung dịch rửa vết thương, điển hình như: Cồn 70°, dung dịch oxy già, dung dịch iod 10% (cồn iod). Bạn nên lưu ý về loại vết thương và tình trạng vết thương để có cách sử dụng sản phẩm rửa vết thương phù hợp:
- Cồn 70° hay còn gọi là cồn y tế dùng để rửa vết thương hở, sát khuẩn vùng da. Khi sử dụng dung dịch này sẽ làm vùng da bôi lên bị khô, kích ứng da khi dùng nhiều lần.
- Oxy già thường được dùng để rửa vết thương. Tùy vào loại vết thương mà sử dụng đúng nồng độ (1.5%, 3%, 6%) vì nếu sử dụng oxy già với nồng độ cao sẽ dễ làm tổn thương tế bào lành lặn khiến vết thương nặng hơn.
- Dung dịch iod 10% có tác dụng sát khuẩn, chống nhiễm trùng các vùng mô, da, vết thương hở. Tuy nhiên khi dùng iod có thể làm kích ứng da, gây đau và nếu dùng với vết thương lớn, sâu có thể gây nhiễm độc.
Ngoài ra một số loại mỡ/kem bôi da trong các trường hợp nấm, ngứa hay bỏng cũng rất cần thiết như: Bactroban điều trị nhiễm trùng da như chốc lở, viêm nang lông và mụn nhọt, Gentrison dùng trong các trường hợp viêm da, nấm ngứa, lang ben… mỡ kháng khuẩn sufadiazin bạc, Biafin dùng trong các trường hợp bỏng.
Bên cạnh đó, bạn nên dự trữ khoảng 3-4 chai nước muối sinh lý trong tủ thuốc gia đình vì chúng có rất nhiều công dụng, điển hình là:
- Vệ sinh các vết thương hở, sát khuẩn da, rửa mắt khi bị dị vật (hạt bụi, côn trùng, cát…) có tác dụng là đẩy dị vật ra khỏi mắt.
- Vệ sinh mũi, họng hàng ngày sau khi đi đường có nhiều bụi hoặc trong thời điểm có dịch bệnh, trong trường hợp bị cảm cúm hay sốt siêu vi.
- Nhỏ mắt, mũi sau khi đi bơi hoặc khi tiếp xúc với môi trường bụi bẩn.
5. Thuốc hỗ trợ tăng sức đề kháng
Việc bổ sung các vitamin và khoáng chất là giải pháp tăng cường sức đề kháng tiện lợi tại nhà và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt trong mùa dịch.
Nhanh gọn, tiện lợi, giúp tăng sức đề kháng với vị dễ uống, dễ mua tại các nhà thuốc là ưu điểm của viên sủi Vitamin C. Ngoài ra có thể để sẵn trong tủ thuốc gia đình các sản phẩm giúp tăng sức đề kháng như Thymomodulin, Imunoglucan…
6. Các vật tư y tế cần thiết khác
- Băng, gạc y tế: các loại băng cá nhân với nhiều kích cỡ khác nhau trong tủ thuốc gia đình rất thiết thực, băng gạc y tế và băng dính sẽ giúp băng bó vết thương, phòng tránh nhiễm khuẩn.
- Nhiệt kế: sử dụng nhiệt kế vẫn là cách tốt nhất để đo chính xác nhiệt độ cơ thể. Theo dõi thân nhiệt rất quan trọng để nhận biết những dấu hiệu nghiêm trọng cần được xử lý kịp thời. Do đó, nhiệt kế là một vật dụng cần thiết trong mỗi gia đình.
- Các túi chườm nóng và lạnh: Chuẩn bị những túi chườm trong tủ thuốc gia đình vì chúng có thể hỗ trợ trong rất nhiều trường hợp, chẳng hạn như đau đầu, đau bụng, bong gân, đau cơ hay chấn thương.
Bạn nên lựa chọn những sản phẩm túi chườm đạt chất lượng cũng như sử dụng túi đúng cách để đảm bảo an toàn và giúp việc chữa trị đạt hiệu quả cao.
- Máy đo huyết áp: Những gia đình có người cao tuổi hoặc người mắc bệnh tim mạch, huyết áp nên chuẩn bị thêm máy đo huyết áp. Thiết bị này sẽ giúp bạn kiểm tra thường xuyên chỉ số huyết áp và có hướng xử lý kịp thời.
- Dầu gió: Dầu gió là loại thuốc bôi ngoài da, có tác dụng giảm đau khi bị chấn thương nhẹ, làm dịu các vết đốt do côn trùng hoặc trị đau bụng, chống viêm nhiễm…Vì vậy, bạn nên chuẩn bị cho gia đình một lọ dầu gió để sử dụng trong tình huống cần thiết.
7. Cách chăm sóc tủ thuốc gia đình
Sau khi chuẩn bị tủ thuốc gia đình, bạn nên có kế hoạch kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần để luôn chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc cần thiết. Ngoài ra, việc kiểm kê thường xuyên còn giúp bạn loại bỏ những loại thuốc cũ, đã hết hạn sử dụng.
Nên kiểm tra tủ thuốc gia đình định kỳ để luôn chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc cần thiết (Hình ảnh minh hoạ)
Ngoài ra, khi chăm sóc tủ thuốc gia đình, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Nên treo tủ thuốc gia đình ở nơi khô ráo, trên cao, ngoài tầm tay của trẻ; Bảo quản ở nơi mát mẻ, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
- Dành một ngăn riêng để chứa thuốc của trẻ em, thuốc điều trị dành cho người bệnh lâu ngày.
- Nên phân loại các sản phẩm theo công dụng chữa trị để bạn có thể dễ dàng tìm kiếm và sử dụng chúng khi cần.
Sức khỏe luôn là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Tủ thuốc gia đình sẽ là bước đầu tiên giúp bảo vệ sức khoẻ của bạn và gia đình.