Human papillomavirus - HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trong khoảng từ năm 2008 - 2012, HPV liên quan đến 99,7% ung thư cổ tử cung, 40 - 90% ung thư vùng sinh dục - hậu môn và 70 - 80% ung thư vùng hầu miệng. Với mục tiêu sàng lọc, phát hiện sớm, giảm tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung, nâng cao chất lượng cuộc sống, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí đã và đang triển khai xét nghiệm HPV Genotype Realtime PCR với độ chính xác cao, hỗ trợ hiệu quả quá trình chẩn đoán của bác sỹ lâm sàng cũng như chất lượng điều trị cho người bệnh.
Hình ảnh minh hoạ
1. Các đường lây truyền HPV
HPV lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục thông qua tiếp xúc với da hoặc niêm mạc người mang virus. Các đường lây nhiễm khác hiếm gặp hơn là tự nhiễm, hôn, lây từ mẹ sang con lúc đẻ, qua dụng cụ phơi nhiễm HPV,…
2. Mối liên quan giữa HPV và ung thư
Ung thư cổ tử cung hiện đứng thứ 3 trong nhóm bệnh ung thư gây tử vong cao nhất ở nữ giới sau ung thư vú và ung thư buồng trứng.
HPV là virus gây u nhú ở người. Có hơn 100 loại virus HPV, hầu hết là chủng vô hại, khoảng 40 loại virus HPV tác động lên đường sinh dục. Các virus HPV nguy cơ cao gây ung thư, hay gặp nhất là virus HPV loại 16 và 18 (có mặt trong >70% ung thư cổ tử cung).
Ở giai đoạn đầu, người nhiễm HPV hầu như không có triệu chứng rõ rệt, sau 10-15 năm bệnh tiến triển thành ung thư cổ tử cung và xuất hiện các dấu hiệu như: chảy máu âm đạo, đau lưng, tiểu bị đau, tiểu khó khăn, nước tiểu đục, táo bón mãn tính, đau trong khi quan hệ tình dục hoặc tiết dịch âm đạo… Đây là những dấu hiệu cho thấy bệnh đã ở giai đoạn muộn, khiến quá trình điều trị gặp khó khăn hơn.
3. Các loại xét nghiệm HPV hiện nay
3.1. Xét nghiệm Pap (Papanicolaou) - Test phết mỏng cổ tử cung
Phết tế bào thu được từ vùng bất thường ở cổ tử cung lên lam kính, nhuộm và soi dưới kính hiển vi.
Pap là phương pháp sàng lọc phát hiện tiền ung thư - ung thư tế bào cổ tử cung. Thông qua việc kiểm tra các tế bào sẽ giúp xác định sự biến dạng và thay đổi bất thường của tế bào cổ tử cung. Thời điểm, tần suất làm xét nghiệm Pap sẽ được khuyến cáo dựa và các yếu tố nguy cơ và độ tuổi của người bệnh.
3.2. Xét nghiệm sinh học phân tử
Hình ảnh minh hoạ
Phương pháp sinh học phân tử để phát hiện đoạn gen đặc hiệu của HPV (HPV-DNA) được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán HPV ở mọi giai đoạn bệnh, xét nghiệm này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, cho phép định danh virus HPV, định nhóm HPV nguy cơ cao/thấp và định lượng HPV.
Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) thông qua khám sàng lọc định kỳ và xét nghiệm HPV DNA, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Một số nước phát triển trên thế giới đã đưa việc xét nghiệm HPV DNA vào các chương trình khám sàng lọc của Quốc gia như Úc, Hà Lan, Singapo,…
4. Đối tượng nên làm xét nghiệm HPV
- Tất cả những người khi đi khám bác sĩ được xác định nghi ngờ nhiễm HPV;
- Bệnh nhân bị mụn sinh dục;
- Phụ nữ từ 26 tuổi trở lên đã quan hệ tình dục.
Khi xét nghiệm HPV DNA được sử dụng kết hợp với phết tế bào âm đạo cổ tử cung (PAP’s smear) giúp nâng cao khả năng sàng lọc các trường hợp nghi ngờ ung thư cổ tử cung.
5. Xét nghiệm HPV tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí
Kỹ thuật HPV genotype Real - time PCR là một trong những kỹ thuật hiện đại, được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí và được nhiều người bệnh tin tưởng sử dụng. Khoa Hoá sinh - Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí được trang bị hệ thống máy Realtime PCR –ArialMx - Aligent (Mỹ), kết hợp với phương pháp Reverse dot blots (Lai phân tử) cho kết quả xét nghiệm có độ chính xác rất cao (phát hiện lên đến 24 loại genotype). Đây là phương pháp xét nghiệm đầu tay đem lại hiệu quả về lâm sàng, y tế, kinh tế do thời gian chẩn đoán nhanh chóng, chính xác, không xâm lấn đến cơ thể người bệnh với chi phí hợp lý.