Một số điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau trong điều trị bệnh Gout
1. Nguyên nhân gây đau do Gout
Bệnh gout là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, có lắng đọng tinh thể muối urat natri trong các mô, gây ra do tăng acid uric trong máu. Đây là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin, thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa.
Cơn gout cấp thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm, người bệnh thức giấc vì đau ở khớp, thường là khớp bàn - ngón chân cái (60 - 70% ): khớp sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội và ngày càng tăng, va chạm nhẹ cũng rất đau. Cơn đau có thể xuất hiện tại các vị trí khác như: bàn chân, cổ chân, gối, bàn tay, cổ tay, khuỷu… hiếm thấy ở khớp háng, vai, cột sống. Lúc đầu chỉ viêm một khớp sau đó có thể viêm nhiều khớp.

Hình ảnh minh họa triệu chứng sưng tấy các khớp ngón chân do Gout
2. Các thuốc giảm đau trong bệnh Gout
2.1. Colchicin
Colchicin có tác dụng giảm sưng đau trong các cơn Gout cấp (đợt cấp của viêm khớp do Gout). Colchicin không sử dụng quá liều khuyến cáo vì có khả năng gây độc, thận trọng ở những bệnh nhân suy gan, suy thận, bệnh tim, rối loạn tiêu hóa, người cao tuổi hoặc suy kiệt, người bệnh có rối loạn công thức máu.
2.2. Thuốc chống viêm không Steroid
Để giảm đau có thể dùng các thuốc NSAID (thuốc chống viêm không Steroid) như: Ibuprofen, Piroxicam, Meloxicam, Celecoxib, Diclofenac… Lưu ý khi sử dụng NSAID, không sử dụng quá liều chỉ định. Cần thận trọng đối với người cao tuổi (trên 65 tuổi). Đối với người bệnh sử dụng thường xuyên, cần theo dõi chặt chẽ chức năng gan, thận. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc do có thể gây ra viêm loét dạ dày, suy thận hoặc các bệnh liên quan tới tim mạch... người bệnh cần sử dụng thuốc đúng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
2.3 Các thuốc corticosteroid
Một số loại corticosteroid được kê đơn phổ biến là Prednison, Methyl prednisolon… giúp giảm sưng, giảm viêm nhanh chóng. Tuy nhiên không khuyến khích sử dụng, chủ yếu được chỉ định với trường hợp viêm nhiều khớp do Gout hoặc với người mắc bệnh Gout không thể dùng được NSAID hoặc Colchicin. Thận trọng khi sử dụng thuốc trên người bệnh suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa, suy gan, suy thận, nhược cơ, nhồi máu cơ tim, người bệnh có nguy cơ loãng xương, động kinh, bệnh lý tuyến giáp.
3. Một số lưu ý chung
Để đảm bảo việc sử dụng thuốc giảm đau trong điều trị Gout hiệu quả cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định, sử dụng đúng liều lượng, không tự ý tăng/giảm/ngưng sử dụng thuốc. Nên sử dụng thuốc sau bữa ăn để tránh đau dạ dày. Nếu gặp các dấu hiệu, triệu chứng bất thường cần trao đổi ngay với bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Khoa Dược