Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí có tiếp nhận trường hợp L.V.H. 38 tuổi (Quảng Yên, Quảng Ninh) đến nhập viện vì sưng đau nóng đỏ khuỷu tay trái. Trước nhập viện người bệnh xuất hiện đau điểm bám gân khuỷu tay trái, người bệnh có đi khám tại phòng khám tư và được tiêm thuốc tại vị trí điểm bám gân khuỷu tay trái 4 lần không rõ loại thuốc. Sau tiêm người bệnh sưng nóng đỏ, đau khuỷu tay trái tăng dần lên, người bệnh đã đến khám và có chỉ định nhập viện điều trị.
Tại bệnh viện người bệnh đã được chẩn đoán: Áp xe khuỷu tay trái và có chỉ định dùng kháng sinh, can thiệp ngoại khoa.
Hình ảnh tay người bệnh L.V.H.
Tiêm khớp - tiêm gân là một thủ thuật cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa vì thủ thuật này khá phức tạp và cần đảm bảo tính vô khuẩn, tránh nguy cơ nhiễm trùng cho người bệnh.
Theo các bác sĩ khoa Tâm Thần kinh – Cơ xương khớp bệnh viện cho biết: Nếu lạm dụng và tiêm khớp không đúng cách, có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như: Nhiễm trùng khớp, hoại tử xương, thủng gân, teo da, teo cơ, nguy hiểm hơn là nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim.
Các dấu hiệu nhận biết biến chứng sau tiêm khớp – tiêm gân không an toàn: Sau tiến hành tiêm vài giờ đến vài ngày người bệnh cảm thấy sưng, nóng đỏ và đau nhiều tại vị trí tiêm, có thể sốt cao, rét run, mệt mỏi…
Hướng điều trị: Sử dụng kháng sinh ngay khi có xét nghiệm nhiễm khuẩn và cần can thiệp ngoại khoa khi có chỉ định của bác sĩ.
Bệnh cơ xương khớp thường gây cho người bệnh cảm giác đau, khó chịu, hạn chế vận động, khó khăn trong sinh hoạt. Hiện nay, nhiều người đã tự đến những cơ sở tư nhân để tiêm và hậu quả là đã xảy ra tình trạng nhiễm trùng sau tiêm.
Do vậy, để đảm bảo an toàn cho bản thân người bệnh cần:
- Thực hiện thủ thuật tại cơ sở y tế uy tín được cấp phép.
- Giữ vệ sinh tại vị trí tiêm khô, sạch trong vòng 24 giờ từ lúc tiêm.
- Thông báo cho bác sĩ ngay khi xuất hiện các biểu hiện bất thường để kịp thời xử lý tránh biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khoa Tâm thần kinh - Cơ xương khớp