Gan là cơ quan chính chuyển hóa thuốc trong cơ thể nhưng nhiều loại thuốc có thể gây tổn thương gan ở các mức độ khác nhau. Mặc dù có đến hơn 1000 hoạt chất được cho là có thể liên quan đến các bệnh lý về gan, tổn thương gan do thuốc được coi là hiếm gặp. Một số thuốc hoặc chất chuyển hóa của chúng có độc tính trực tiếp trên gan, trong khi các thuốc khác gây tổn thương gan thông qua các phản ứng dị ứng.
1. Tổn thương gan do thuốc là gì?
- Tổn thương gan do thuốc thường không xuất hiện triệu chứng lâm sàng cho đến khi phản ứng chuyển nặng, có thể bao gồm sốt, ngứa da, đau khớp, buồn nôn, vàng da vàng mắt, đau bụng, nổi hạch, gan to và tăng bạch cầu ái toan.
- Tổn thương gan do thuốc có 2 loại:
+ Loại thứ nhất là độc tính trực tiếp trên gan của chính thuốc hoặc các chất chuyển hóa của nó. Mức độ tổn thương gan thường liên quan đến liều lượng của thuốc và hầu hết có thể dự đoán được. Ví dụ, thuốc giảm đau thông thường paracetamol rất an toàn, nhưng nếu dùng quá liều có thể gây tổn thương gan.
+ Loại thứ 2 là phản ứng dị ứng hoặc bất thường về chuyển hóa do đặc điểm thể chất của từng cá nhân gây ra, không liên quan chặt chẽ đến liều lượng và tổn thương gan nghiêm trọng thường không thể đoán trước.
- Khi nghi ngờ tổn thương gan, những xét nghiệm cần được thực hiện là transaminase (AST, ALT), alkalin phosphatase (AP), bilirubin toàn phần và trực tiếp. Mức độ tăng của các chỉ số xét nghiệm phụ thuộc vào loại thuốc và giai đoạn tổn thương gan.
Hình ảnh minh họa
2. Các loại thuốc có nguy cơ gây tổn thương gan
- Thuốc chống lao: Các loại thuốc chống lao phổ biến có thể gây tổn thương gan bao gồm isoniazid, rifampicin, pyrazinamide, streptomycin...
- Thuốc điều trị ung thư: Hầu hết tất cả các loại thuốc hóa trị đều có thể gây tổn thương gan do thuốc với nhiều dòng hóa trị, liều lượng thuốc hóa trị. Tỷ lệ mắc cao hơn ở người lớn tuổi, những người mắc bệnh gan tiềm ẩn, người nghiện rượu, bệnh nhân ung thư suy dinh dưỡng vừa phải và những người dùng nhiều thuốc đồng thời.
- Thuốc chống co giật: Thường gặp là oxcarbazepine, carbamazepine... những loại thuốc này thường được sử dụng trong thời gian dài và được sử dụng với nhiều cách kết hợp và dễ gây tác dụng phụ đến chức năng gan.
- Thuốc tim mạch: Thường thấy trong các thuốc hạ lipid máu (atorvastatin, rosuvastatin), thuốc hạ huyết áp (captopril, proponel, metoprolol), thuốc chống loạn nhịp tim (mexiletine, amiodarone).
- Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol cũng có nguy cơ gây tổn thương gan khi dùng liều cao.
- Ngoài ra, cần cảnh giác với một số thuốc không kê đơn khác như: Thực phẩm chức năng và thảo dược không rõ nguồn gốc, xuất xứ (vì có thể không được kiểm định và kiểm soát chặt chẽ về chất lượng) cũng ảnh hưởng tới gan. Việc dư thừa vitamin A và sắt cũng gây hại gan.
- Tuy nhiên, cách gây độc cho gan của từng loại thuốc còn phức tạp hơn nhiều, có thể bao gồm một hay cùng lúc nhiều cách như: Phá vỡ màng tế bào, làm tế bào chết, tạo ra các cấu trúc mới, gây ra các phản ứng miễn dịch, ức chế chuyển hoá thuốc của tế bào, gián đoạn các bơm vận chuyển dẫn đến tắc mật...
- Biểu hiện độc tính trên gan của thuốc cũng phụ thuộc rất nhiều yếu tố: Uống rượu, lớn hơn 18 tuổi (người lớn và phụ nữ hay gặp hơn là trẻ em), người có gen làm ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể đối với thuốc, béo phì, mang thai, giới tính, các bệnh khác như HIV hoặc bệnh gan, lạm dụng thuốc cấm, dùng thuốc quá liều, uống thuốc kèm rượu…
3. Cách phòng tránh tổn thương gan do thuốc
Mục đích của việc sử dụng thuốc là để điều trị hoặc phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc, tổn thương gan vẫn có thể xảy ra do nhiều yếu tố phức tạp như đặc tính của thuốc hoặc thể chất của người sử dụng. Vì vậy, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và sử dụng thuốc hợp lý là chìa khóa để ngăn ngừa tổn thương gan do thuốc.
Trước khi sử dụng thuốc nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ và nhân viên y tế để hiểu những rủi ro khi sử dụng thuốc, chủ động thông báo với bác sĩ kê đơn về tất cả các loại thuốc (bao gồm cả thuốc thảo dược) đang sử dụng, tiền sử dị ứng thuốc, tiền sử bệnh và các thông tin quan trọng khác.
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ hoặc nhãn thuốc cụ thể. Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi các xét nghiệm liên quan đến chức năng gan.
Không uống rượu trong khi dùng thuốc và chú ý đến phản ứng của cơ thể với thuốc. Những bất thường về thể chất trong quá trình dùng thuốc như buồn nôn, chán ăn, khó chịu ở bụng, mệt mỏi, ngứa da, thậm chí cả sốt nhẹ, lòng trắng của mắt và da vàng, nước tiểu có màu sậm, phân màu xám - trắng... rất có thể là dấu hiệu cảnh báo tổn thương gan và nên đi khám càng sớm càng tốt.
Khoa Dược