Sau tai biến mạch máu não, người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều di chứng nguy hiểm. Trong đó, một số di chứng có thể ảnh hưởng nặng nề đến chức năng bàn tay của người bệnh, khiến họ khó khăn trong việc thực hiện các công việc bằng tay, các hoạt động đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo và phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người nhà.
.jpg)
Tập chức năng bàn tay cho người bệnh sau tai biến mạch máu não tại khoa PHCN
1. Các di chứng ảnh hưởng đến chức năng của tay và bàn tay sau tai biến mạch máu não
- Liệt nửa người: Những ảnh hưởng của vùng não bị tổn thương có thể khiến người bệnh tai biến mạch máu não gặp di chứng như liệt nửa người, bao gồm: tay, chân, thân mình, liệt mặt. Lúc này, do các nhóm cơ vùng tay bị ảnh hưởng nên chức năng vận động của tay cũng suy giảm đi, khiến người bệnh có thể liệt hoàn toàn hoặc một phần. Điều này gây ảnh hưởng đến sinh hoạt. Đặc biệt, thông thường các nhóm cơ nhỏ với chức năng thực hiện các động tác tinh tế của bàn tay bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.
- Co cứng cơ: co cứng cơ là tình trạng tăng lên của phản xạ trương lực (trương lực cơ) phụ thuộc vào tốc độ kéo giãn kèm theo sự phóng đại của các phản xạ gân xương do cung phản xạ cơ bị kích thích quá mức. Tương tự các nhóm cơ khác bên nửa người bị tổn thương, các nhóm cơ ở tay trở nên co cứng, nặng hơn có thể dẫn đến co rút, biến dạng khớp. Từ đó, các khớp như khớp khuỷu, cổ tay, khớp vai và các khớp ngón tay bị hạn chế vận động.
- Hội chứng đau sau tai biến mạch máu não: Đau sau tai biến mạch máu não là hội chứng khá phổ biến, đặc biệt đau ở tay, vai.
2. Tầm quan trọng của Phục hồi chức năng (PHCN) tay và bàn tay
- Tay và bàn tay liệt thường bị giảm hoặc mất chức năng và khó hồi phục hơn chân do mức độ vận động tinh tế của tay và bàn tay.
- Bàn tay là công cụ đặc biệt giúp chúng ta thực hiện được các hoạt động sống hàng ngày nên cần được thăm khám và điều trị sớm.
- Do bàn tay có hoạt động rất tinh tế nên cần có kỹ thuật điều trị PHCN riêng.
3. Các phương pháp PHCN giúp người bệnh sau tai biến mạch máu não cải thiện chức năng bàn tay
- Các bài tập vận động trị liệu cho tay và bàn tay: Tập vận động tay liệt có sự trợ giúp của tay lành. Tập kiểm soát vận động tay liệt. Tập với các dụng cụ như ròng rọc, gậy…
.jpg)
Hình ảnh minh hoạ tập vận động tay liệt có sự trợ giúp của tay lành
- Các phương pháp nhiệt, điện trị liệu giúp kích thích cơ giai đoạn liệt mềm, làm giảm trương lực cơ giai đoạn liệt cứng, giảm đau cho người bệnh.
- Hoạt động trị liệu: các bài tập vận động thô của bàn tay, vận động khéo léo của bàn tay, tập phối hợp tay với các bộ phận khác trên cơ thể giúp người bệnh độc lập trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
.jpg)
Tập chức năng bàn tay cho người bệnh sau tai biến mạch máu não tại khoa PHCN
- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ chức năng bàn tay trong sinh hoạt.
Người bệnh sau tai biến mạch máu não được PHCN càng sớm thì khả năng phục hồi sẽ cao hơn, vì vậy người bệnh cần đến khoa PHCN để được thăm khám và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp để đạt được hiệu quả tốt nhất. Không nên tự ý điều trị tại nhà khi chưa được thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Người bệnh cần điều trị PHCN vui lòng liên hệ: Khoa PHCN, tầng 1 tòa nhà DIII (tòa nhà Trung tâm ung bướu), Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí; Số điện thoại: 0203.6273.642
Khoa Phục hồi chức năng
***Tài liệu tham khảo: “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện chuyên ngành Phục hồi chức năng” - NXB Y học