Cải cách hành chính được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong 3 khâu đột phá quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương. Thực hiện khâu đột phá này, những năm qua, bằng tư duy đổi mới, những cách làm sáng tạo, sự nỗ lực, quyết tâm không ngừng nghỉ, đã đem đến cho Quảng Ninh nhiều trái ngọt. Theo đó, bộ máy hành chính của tỉnh ngày càng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất, tốt nhất.
Trụ sở mới khang trang, hiện đại của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
“Ngôi sao” cải cách
Từ năm 2012, Quảng Ninh bắt tay vào triển khai Dự án Xây dựng mô hình chính quyền điện tử. Trong đó, dấu ấn đầu tiên của sự đột phá, tiên phong chính là việc từng bước xây dựng, hoàn thiện quy trình hoạt động của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, 13 địa phương và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại tại các xã, phường, thị trấn để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đây là mô hình duy nhất ở Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thành lập theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28/10/2015. Đến nay, đã có tổng số hơn 1.400 TTHC được đưa vào thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Gần 100% TTHC thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ”; 22 sở, ngành, đơn vị trực thuộc sử dụng con dấu thứ 2 tại trung tâm để giải quyết TTHC theo nguyên tắc “5 tại chỗ”.
Với mô hình đột phá này, thời gian giải quyết TTHC tại Quảng Ninh được cắt giảm trung bình 40-60% so với thời gian quy định của Trung ương; thời gian giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn đạt 99,9%, trong đó trước hạn đạt 25,7%, chỉ có 0,01% hồ sơ bị quá hạn.
Hoạt động hiệu quả của các trung tâm hành chính công, hệ thống thành phần của Chính quyền điện tử tỉnh đã mang lại nhiều "trái ngọt" cho Quảng Ninh.
Quảng Ninh cũng hoàn thiện, bổ sung các dịch vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính như: Tin nhắn SMS tự động miễn phí thông báo tình trạng hồ sơ; các dịch vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC như thu phí, lệ phí ngay tại trung tâm; tổng đài 1900558826 hỗ trợ giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân được kết nối từ tổng đài Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với các đầu số hỗ trợ từ 13 trung tâm hành chính công địa phương; TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 đạt gần 85% ở cấp tỉnh và 73% ở cấp huyện... Cách làm này không những giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết TTHC, giúp giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư và nhân dân, mà còn tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia giám sát hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, phần nào hạn chế được sự nhũng nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức trong việc giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tính riêng trong quý I/2020, dù phần lớn thời gian mọi hoạt động KT-XH đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhưng riêng Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh vẫn tiếp nhận, giải quyết hơn 13.800 hồ sơ TTHC với tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,9%, trong đó có 4.800 hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết bằng hình thức trực tuyến. Trung tâm cũng đã tiếp nhận, xử lý gần 1.700 cuộc gọi hỗ trợ, tư vấn qua tổng đài 1900558826; gửi hơn 36.000 tin nhắn SMS tự động miễn phí thông báo tình trạng hồ sơ cho tổ chức, người dân; tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua đường bưu chính đối với hơn 1.200 hồ sơ; cập nhật hơn 2.800 kết quả bằng chữ ký số lên trang http://dichvucong.quangninh.gov.vn...
Đoàn công tác Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ khảo sát việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Đáng chú ý, Quảng Ninh cũng là tỉnh tiên phong trên cả nước trong việc quy định áp dụng chữ ký số trong trả kết quả giải quyết TTHC dưới dạng văn bản điện tử tại trung tâm hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã. Quảng Ninh cũng nằm trong số ít các địa phương đã triển khai sử dụng chứng thư số rộng rãi; liên thông quản lý văn bản tới 100% các cơ quan đảng, hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp trên địa bàn tỉnh; đứng top đầu Việt Nam trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giải quyết TTHC và luân chuyển văn bản điện tử 4 cấp. Tính đến ngày 18/5/2020, Quảng Ninh đã trao đổi 8.679.125 văn bản điện tử giữa 713 đơn vị trên địa bàn...
Nhìn vào bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) những năm vừa qua, không khó để nhận ra sự bứt phá ngoạn mục của Quảng Ninh. Chỉ trong 5 năm, tỉnh đã tăng 22 bậc, từ chỗ xếp thứ 19 vào năm 2012 và thứ 23 vào năm 2013 đến vị trí quán quân trong 2 năm liên tiếp 2017 - 2018. Riêng năm 2018, với 89,06 điểm, Quảng Ninh ghi dấu ấn với các chỉ số thành phần ấn tượng, như: Chỉ số cải cách thủ tục hành chính đạt 12,96/13 điểm, đứng thứ 1/63 (là tỉnh duy nhất đạt điểm gần như tuyệt đối trong chỉ số này); chỉ số chỉ đạo điều hành cải cách hành chính đạt 8,5/9 điểm, đứng thứ 3/63; chỉ số cải cách tổ chức bộ máy đạt 10,4/12 điểm, đứng thứ 3/63; chỉ số cải cách tài chính công đạt 10,71/12,5 điểm, đứng thứ 4/63; chỉ số hiện đại hóa hành chính đạt 11,85/13,5 điểm, đứng thứ 4/63; chỉ số tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội đạt 14,47/16,5 điểm, đứng thứ 4/63...
Hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh đang tiếp tục được hoàn thiện, với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo sự thành công và hiệu quả hoạt động.
Hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
Với mục tiêu “Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc”, bên cạnh việc tích cực cải cách TTHC, Quảng Ninh xác định cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong việc định lượng, đo lường đánh giá một cách thực chất, khách quan các kết quả đạt được về nội dung, mục tiêu cải cách. Trên tinh thần đó, ngày 17/8/2018, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh (SIPAS), giai đoạn 2018-2020. Nội dung khảo sát tập trung vào các yếu tố: Tiếp cận dịch vụ HCC của cơ quan hành chính nhà nước; thủ tục hành chính; công chức trực tiếp tiếp nhận và giải quyết TTHC; kết quả cung ứng dịch vụ HCC; tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị.
Qua mỗi năm, trong đánh giá các Bộ chỉ số này đều có những điểm mới, nhằm phản ánh được khách quan hơn, sát thực tế hơn. Gần đây nhất, đầu năm 2019, cùng với 20/20 sở, ban, ngành, 14/14 địa phương, lần đầu tiên tỉnh công bố kết quả SIPAS 2018 đối với 3/6 cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh thực hiện tích hợp điểm SIPAS vào kết quả đánh giá PAR Index. Theo kết quả được công bố, trong bảng điểm SIPAS 2018, tỷ lệ đánh giá hài lòng chung đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong toàn tỉnh là 93,11%. Trong đó, các sở, ban, ngành có tỷ lệ đánh giá hài lòng chung là 92,18%; UBND các huyện, thị xã, thành phố nhận được tỷ lệ đánh giá hài lòng là 92,50%; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ đánh giá hài lòng là 94,66%.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tận tình hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.
Để người dân có thể đánh giá một cách khách quan cho các nội dung thành phần của SIPAS, các đơn vị đã triển khai đồng bộ các cách thức khảo sát, như: Phát phiếu khảo sát; qua hòm thư góp ý; đánh giá qua hệ thống mạng internet tại địa chỉ website: dichvucong.quangninh.gov.vn… đồng thời thí điểm triển khai ứng dụng điện thoại thông minh. Với cách triển khai này, Quảng Ninh đã quan tâm, tạo điều kiện thực tế cho người dân, doanh nghiệp đóng góp tiếng nói và thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh, sự phục vụ của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó góp phần quan trọng trong hoàn thiện thể chế hành chính nhà nước, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Để có được kết quả tích cực trên, điều mà cả hệ thống chính quyền Quảng Ninh làm được trong những năm gần đây, đó là “dám nhìn thẳng sự thật”, tập trung cải cách hành chính toàn diện với quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm chưa có tiền lệ. Từ đó, tỉnh đã tìm ra cách để “truyền lửa” cải cách từ cấp tỉnh xuống các sở, ban, ngành và địa phương; chủ động để các địa phương “thi đua” lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ. Mà kết quả rõ nhất chính là việc tỷ lệ đánh giá hài lòng chung đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong toàn tỉnh đã đạt trên 93% trong năm qua.
Hoạt động tại Trung tâm Hành chính công TP Uông Bí được giám sát qua hệ thống camera.
Xây dựng chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt nhất là lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng hoạt động vẫn đã, đang và sẽ là một trong những mục tiêu xuyên suốt, được tỉnh quyết tâm, dồn lực thực hiện trong suốt thời gian qua. Nền hành chính “phục vụ, phục vụ hơn nữa” chắc chắn sẽ tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong sự phát triển ngày một nhanh, mạnh và không kém phần bền vững của Quảng Ninh.
Được biết, sáng 19/5, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS). Tin tưởng với những cố gắng, nỗ lực đã thực hiện thời gian qua, Quảng Ninh sẽ tiếp tục giữ vững quán quân PAR Index và vươn lên đạt kết quả cao hơn với Chỉ số SIPAS.
Theo dichvucong.quangninh.gov.vn